GIÚP TRẺ KHIẾM THÍNH TỰ LẬP

Nhiều năm qua, chị Nguyễn Thị Đính đã dành thời gian, công sức và tình yêu thương của mình giúp những em nhỏ khiếm thính có một nghề để tự kiếm sống.

Chị Nguyễn Thị Đính (người thứ hai từ phải sang) cùng các em khiếm thính là nhân viên Công ty Kym Việt.

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Đính tại nhà riêng trên phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, Hà Nội). Chị Đính có chất giọng khàn nhẹ, khi nói chuyện thỉnh thoảng lại khua tay làm những động tác khó hiểu. Chị cho biết, mấy chục năm làm việc với các bạn khiếm thính, cho nên khi nói chuyện với mọi người, đôi khi chị vẫn quen các ký hiệu đó để giao tiếp.

Sau khi tốt nghiệp khoa Văn, Trường đại học Sư phạm Hà Nội 1, chị Đính sang Nga học nâng cao. Về nước, chị trải nghiệm nhiều công việc khác nhau. Một lần ngồi uống nước gần Trường THCS Xã Đàn, thấy các em khiếm thính giao tiếp với nhau, chị tò mò. Chị tìm đến khu nội trú của các em để tìm hiểu về thế giới của những đứa trẻ này. Lúc đó, ngôn ngữ ký hiệu còn xa lạ và mới mẻ với chị. Nhưng sau khi biểu đạt bằng những ký hiệu đơn giản, chị phần nào giao tiếp được với các em.

Năm 1994, chị Đính gặp một phụ nữ Hà Lan – người đang cưu mang một nhóm bạn trẻ khiếm thính. Nói chuyện với nhau, người phụ nữ này đã đề nghị chị Đính về chăm sóc, dạy dỗ các em. Người phụ nữ nước ngoài cho biết, bà và nhóm em nhỏ khiếm thính gắn bó với nhau được mười năm. Câu chuyện gợi mở cho chị Đính những ý tưởng mới về việc giúp đỡ các em nhỏ thiệt thòi, bởi trước đây, chị Đính từng được học nghề làm thú nhồi bông. Được bạn bè, anh chị em động viên, năm 2013, chị Đính và bốn người bạn là người khuyết tật, gom góp được 20 triệu đồng, thành lập Công ty Kym Việt sản xuất đồ chơi, thú nhồi bông, với mong muốn giúp đỡ những người khuyết tật.

Chị Đính lên ý tưởng sáng tạo, tìm mua nguyên liệu sản xuất. Mỗi tuần, chị mất vài buổi đi xe máy hàng chục cây số từ nội thành sang Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) mua vải. Cả nhóm có mười người, làm việc và sống như một gia đình. Thời gian đầu mới thành lập, công việc ít, thu nhập của mỗi người chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Sau một thời gian hoạt động, sản phẩm thú nhồi bông được thị trường đón nhận. Bộ sưu tập thú bông mang tên Kym Việt đã có mặt tại nhiều hội chợ, triển lãm, cửa hàng đồ chơi tại Hà Nội và một số nơi. Tiền lương của các nhân viên tăng lên khoảng ba triệu đồng/tháng, tuy còn khiêm tốn nhưng phần nào giúp những người khuyết tật khẳng định giá trị bản thân, tự tin hơn và có động lực trong cuộc sống.

Không chỉ là người dạy nghề cho các bạn trẻ kém may mắn, chị Đính còn đóng vai trò là bà mối, bảo mẫu của các bạn. Trong nhóm có bạn Phùng Thị Giang và bạn Hà Quốc Sơn (ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) đều bị khiếm thính, đã nên duyên vợ chồng nhờ chị tác thành.

Chị Đính cũng không thể lý giải tại sao mình lại nặng lòng với các bạn trẻ khiếm thính như vậy. Với chị, nhìn những thế hệ học trò của mình tiến bộ trong tay nghề, chín chắn hơn trong tính cách, ứng xử, tự tin hơn trong hòa nhập cộng đồng, có thể tự nuôi sống bản thân, chị cảm thấy rất hạnh phúc.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Download Foxit Reader 12.11 Full Crack Miễn Phí 2024 – Phần Mềm Đọc PDF Số 1 Hướng dẫn Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack Miễn Phí