NHỮNG NGƯỜI BẠN KHIẾM THÍNH QUANH TÔI

Ngày bé, tôi thường nghĩ mình là đứa trẻ khiếm thính duy nhất trên đời. Tôi thường khá tự ti về bản thân vì quá khác biệt mọi người. Tôi chưa ra ngoài xa, nên thấy cuộc sống cũng rất nhỏ bé…

Năm 14 tuổi, tôi vô tình được gặp đoàn từ thiện ‘Trao tặng máy trợ thính cho người khó khăn” do công ty Quang Đức phối hợp với Sở Lao Động Thương Binh & Xã Hội và Đoàn Nữ Tu ở Sài Gòn về Bạc Liêu. Tôi mới thấy rất nhiều người khiếm thính giống tôi: già có, trẻ có, trạc tuổi tôi cũng có và con nít mới sinh cũng có. Tôi thấy mở mang tầm mắt, đó là lần đầu tôi thấy Cộng đồng người khiếm thính tại quê nhà.

Lên lớp 10, tôi học Trường Chuyên của tỉnh, cô giáo đầu tiên tôi gặp là Cô Phượng dạy Hóa. Cô hỏi tôi: “Em đeo trợ thính phải không? Tôi học được không vì học ở Trường Chuyên rất nặng nề. Tôi bảo rằng tôi có thể làm được, cô động viên và kể cho nghe cách tôi 3 khóa có một anh lớp Chuyên Tin cũng bị khiếm thính, anh đã đậu ngành Công nghệ thông tin trường Đại Học Cần Thơ với số điểm là 21 điểm. Tôi như vừa được động viên và khích lệ tinh thần.

Lên Đại Học, tôi học ngành Kiến Trúc của Trường Đại Học Văn Lang, trường tôi có hẳn một ngành đào tạo cho các bạn khuyết tật tập trung ở cơ sở 2 đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh. Lúc tôi qua cơ sở 2 học tôi đã gặp rất nhiều bạn khiếm thính học Đồ họa tại trường. Mặc dù những bạn này không nói được, tôi thì lại nói được, thế là đôi bên trò chuyện nhau qua giấy. Không hiểu sao tôi ấn tượng mạnh về sự lạc quan của các bạn. Các bạn đó dường như không hề tự ti chút nào. Rồi tôi gặp cô bé tên Nii học ngành Tạo dáng công nghiệp. Cô bé nhỏ nhắn, dễ thương, đôi mắt biết cười và có giọng nói rất đặc trưng ở người khiếm thính. Cô bé có ước mơ được mở xưởng gốm và làm sản phẩm gốm từ chính đôi bàn tay tài hoa của mình. Cô bé còn rất yêu động vật và rất chịu khó hòa đồng với mọi người.

Và đâu đó ngoài kia, có những tổ chức tôn giáo, những tổ chức phi chính phủ về người khiếm thính từ quốc gia khác nhau, câu lạc bộ khiếm thính của cô Dương Phương Hạnh hay gần đây nhất là Cuộc thi Giải pháp thiết kế không gian cho người khiếm thính – đã tạo cơ hội gắn kết người khiếm thính với xã hội hơn trước đây rất nhiều.

Những người tôi từng gặp qua, tuy rằng họ mất đi thính lực với nhiều lí do khác nhau, nhưng họ sẽ không cô đơn vì xã hội đã dần tạo được sự hòa nhập và có những cộng đồng, những câu lạc bộ cho người khiếm thính được mở ra. Họ được xã hội giang tay chào đón và che chở. Họ được dạy về sự tự tin qua những bài báo về tấm gương nghị lực. Họ luôn là một phần của cuộc sống, của xã hội. Không những là xã hội nơi họ đang sống, mà còn hội nhập ra thế giới. Có thể nói rằng, người khiếm thính đang từng bước có cuộc sống tốt đẹp hơn ngày trước và thoát khỏi được vỏ bọc tự ti của chính bản thân mình.

Trần Công Thành