BỆNH RUBELLA VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN THIẾT VỚI PHỤ NỮ MANG THAI

Tuy bệnh Rubella là một bệnh lây nhiễm không nguy cấp (ít gây nên biến chứng nguy hiểm) như bệnh sởi (thuờng gây những biến chứng trầm trọng: viêm phổi, viêm phế quản, viêm não, viêm cơ tim, viêm tai giữa, rối loạn tiêu hóa…) nhưng lại khá nghiêm trọng do có khả năng gây nên những dị tật bẩm sinh nặng nề ở bào thai. Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh Rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ sẽ dễ bị những tai biến như sẩy thai, thai chết lưu hoặc gây nên những dị dạng cho thai nhi sau khi sinh như: các khuyết tật về tim, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ… Các biến chứng của Rubella chủ yếu là đau và sưng ở các khớp như ngón tay, cổ tay hay đầu gối, nhất là ở phụ nữ cao tuổi (chiếm 70%), viêm não, xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm thần kinh…

Bệnh Rubella lây truyền qua đường hô hấp khi người lành hít phải những dịch tiết đường mũi họng (nước bọt, nước mũi) có chứa vi rút Rubella của người bệnh, khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, khi tiếp xúc với các vật dụng (sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi…) có dính chất tiết mũi họng của người bệnh. Yếu tố thuận lợi để bệnh Rubella lan rộng là: Điều kiện sống chật chội, thiếu ánh sáng, thiếu điều kiện vệ sinh (nhà trọ, ký túc xá v.v…). Người bị bệnh Rubella có thể lây truyền bệnh cho người khác một tuần trước khi phát ban và từ 1 đến 2 tuần sau khi ban đã lặn hết.

Biểu hiệu của bệnh Rubella qua 3 giai đoạn:

– Thời kỳ ủ bệnh: từ 12-23 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây. Thời gian này người bệnh đã bị nhiễm vi-rút, nhưng chưa có biểu hiện bệnh;
– Thời kỳ phát bệnh: Sốt nhẹ trên 370C kèm theo nhức đầu, mệt mỏi, chảy mũi trong, đau họng, đôi khi có đỏ mắt; Phát ban: ban đỏ, từng đốm lan tỏa, ban dát sần. Đặc biệt ban mọc đầu tiên ở mặt, sau đó lan ra thân mình (trừ lòng bàn tay, lòng bàn chân). Đau khớp, nổi hạch sau tai, ở người lớn và trẻ lớn bệnh thường nặng hơn trẻ nhỏ.
– Thời kỳ lui bệnh: Các triệu chứng bệnh kéo dài từ 3-4 ngày rồi tự hết. Riêng triệu chứng đau khớp có thể kéo dài lâu hơn. Sau khi khỏi bệnh, người bệnh sẽ có miễn dịch suốt đời với bệnh (sẽ không bị mắc bệnh trở lại).

Về điều trị: Bệnh Rubella là bệnh do vi rút nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên bệnh Rubella là một bệnh lành tính, ít có biến chứng nguy hiểm nên có thể để bệnh nhân tại nhà để chăm sóc. Chủ yếu là điều trị triệu chứng: Cho người bệnh ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây. Người bệnh cần được vệ sinh mũi họng (nhỏ mũi và súc họng) hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 9%o. Nếu nhức đầu nhiều hoặc đau khớp có thể sử dụng thêm thuốc giảm đau. Đối với trẻ nhỏ cần giặt khăn bằng nước ấm lau cơ thể bé hàng ngày.
Về phòng bệnh: Phát hiện bệnh sớm để tránh lây lan cho người khác.Cách ly người bệnh, thời gian cách ly: từ lúc bắt đầu phát bệnh (phát ban) cho đến 7 ngày sau khi phát ban.  Người bệnh ở trong một phòng riêng, thoáng mát, có đủ ánh nắng mặt trời. Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng cho người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang, sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh. Vệ sinh tốt phòng ở của người bệnh.

Tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh Rubella: Vắc-xin phòng bệnh Rubella thông dụng hiện nay là loại vắc-xin  MMR (Measle, Mumps, Rubella) phòng ngừa cho cả 3 bệnh Sởi, Quai bị, Rubella. Vắc-xin phòng bệnh Rubella ít khi có tác dụng phụ (dưới 1 phần triệu trường hợp có phản ứng dị ứng nặng).

Đối tượng cần tiêm vắc xin Rubella:

– Trẻ nhỏ từ 12 tháng tuổi cho đến dưới 13 tuổi, chưa tiêm phòng Rubella lần nào: tiêm 2 mũi, mũi thứ 2 tiêm nhắc lại sau mũi thứ nhất 2-3 năm.
– Trẻ lớn trên 13 tuổi và người lớn: chỉ tiêm một mũi duy nhất.
– Những phụ nữ có ý định mang thai chưa từng bị bệnh Rubella hoặc chưa được tiêm phòng lúc nhỏ: nên tiêm vắc xin trước 3 tháng khi quyết định có thai.
– Những người làm việc tại bệnh viện, các trung tâm y khoa, trung tâm chăm sóc trẻ em và các trường học.
– Việc tiêm chủng Rubella đặc biệt quan trọng đối với trẻ em gái để phòng chống bệnh trong suốt khoảng thời gian khi đứa trẻ lớn lên và mang thai sau này.
Trẻ nhỏ từ 6 đến 8 tháng tuổi được miễn nhiễm (không mắc bệnh) đối với bệnh Rubella do có kháng thể từ mẹ truyền qua. Trong trường hợp cần thiết phải tiêm chủng Rubella trước 12 tháng tuổi nên tiến hành tiêm cho trẻ lúc 6 tháng tuổi, sau đó vẫn phải tiến hành tiêm chủng lại cho trẻ theo đúng lịch tiêm chủng.

Những đối tượng sau đây không nên tiêm phòng vắc xin phòng Rubella.

+ Những phụ nữ đang có thai hoặc nghi ngờ có thai.
+ Những người dị ứng với thuốc Neomycine, dị ứng với trứng.
+ Những người có phản ứng với những lần tiêm ngừa Rubella trước.
+ Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, hoặc đang sử dụng những thuốc ức chế miễn dịch.
+ Bệnh nhân bị bệnh ác tính về máu.
+ Bệnh nhân bị nhiễm trùng cấp tính hoặc mạn tính. (Ví dụ mắc bệnh lao chưa được điều trị).

Những điểm cần lưu ý:

+ 3 tháng sau khi tiêm ngừa vắc-xin mới được phép mang thai.
+ Đối với người lớn, có thể làm xét nghiệm huyết thanh. Nếu đã có miễn dịch thì không cần tiêm chủng.
Dư luận hiện nay cộng đồng rất quan tâm đó là phụ nữ mang thai có nên nạo phá thai khi mắc bệnh Rubella không? Đây là vấn đề cần có một sự lựa chọn đúng đắn giữa hai khả năng có thể xảy ra: Nếu giữ thai có thể đứa con sinh ra sẽ mang dị tật, hoặc nếu phá bỏ thai có thể gặp những sự cố không mong muốn, hoặc với những trường hợp khó có thai việc phá bỏ là sự lựa chọn khó khăn, hơn nữa thủ thuật nạo phá thai cũng có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ và khả năng sinh đẻ sau này… Bởi vậy tốt nhất phụ nữ mang thai nếu bị mắc bệnh Rubella hoặc nghi ngờ mắc bệnh Rubella hoặc sống trong vùng có dịch Rubella hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, thăm khám, xét nghiệm, các chuyên gia sẽ cho lời khuyên hợp lý nhất. Tại đó thai phụ sẽ được xác định xem có đúng bị bệnh Rubella không? Tuổi thai chính xác là bao nhiêu tuần? Tình trạng sức khỏe người mẹ và thai nhi hiện tại ra sao?…Từ đó thầy thuốc mới đưa ra kết luận và lời khuyên chuẩn xác.

Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo: Nếu mắc bệnh khi mang thai dưới 12 tuần bắt buộc phải bỏ, trong vòng 12-18 tuần sẽ tư vấn cho các bà mẹ bỏ hay giữ theo tuổi thai và tần suất xuất hiện của bệnh. Còn nếu đã qua 18 tuần vẫn cần theo dõi tránh nhiễm trùng thai nhi.

Nguồn: Sở Y Tế Tỉnh Thanh Hóa

Tham khảo thêm:

Rubella gây ra khiếm thính bẩm sinh có thể chữa cách nào?

https://www.facebook.com/bvxuyena/videos/1210442135770649/