BPPV viết tắt của Benign Paroxysmal Positional Vertigo, nghĩa là chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, đây là dạng chóng mặt ngoại biên phổ biến nhất. Trong bài nghiên cứu năm 2023 về BPPV cho thấy tỷ lệ BPPV chiếm khoảng 25% tất cả các loại chóng mặt lâm sàng và 60% chóng mặt ngoại biên (1).
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính có thể được giải thích như sau:
– Chóng mặt: cảm giác mất cân bằng, quay cuồng hoặc cảm thấy như mọi thứ xung quanh đang chuyển động.
– Tư thế: chóng mặt xảy ra khi thay đổi tư thế đầu hoặc cơ thể
– Kịch phát: xảy ra từ nhẹ đến rất dữ dội, rầm rộ trong thời gian ngắn
– Lành tính: không đe dọa đến sức khỏe và tính mạng
NGUYÊN NHÂN GÂY CHÓNG MẶT TƯ THẾ KỊCH PHÁT LÀNH TÍNH
Ở tai trong có các hạt canxi cacbonat (được gọi là thạch nhĩ hoặc sỏi tai), thông thường các hạt này sẽ nằm trong soan nang và cầu nang. Tuy nhiên, khi các sỏi tai này không ở vị trí bình thường ban đầu mà di chuyển vào một hoặc nhiều ống bán khuyên (cơ quan tiền đình ở tai trong có vai trò giữ thăng bằng) làm ảnh hưởng sự lưu thông của dòng nội dịch trong ống, điều này dẫn đến tín hiệu sai lệch được truyền đến não khi thay đổi vị trí đầu hoặc tư thế, ví dụ từ nằm sang ngồi, cúi đầu, quay đầu trái/phải…nên gây ra cảm giác chóng mặt.
Có một vài nguyên nhân sau giải thích cho việc sỏi tai rơi vào ống bán khuyên chẳng hạn như chấn thương sọ não hoặc nhiễm trùng tai trong. Tuy nhiên, nguyên nhân thường gặp nhất chính là sự “lạc chỗ” tự nhiên của các hạt sỏi tai. Thông thường, chóng mặt tư thế kịch phát lành tính chỉ xảy ra ở một bên tai, nhưng trong một số trường hợp, nó có thể ảnh hưởng đến cả hai bên cùng lúc. Khoảng 10% dân số đã hoặc sẽ trải qua BPPV trong suốt cuộc đời của họ [3]. Loại chóng mặt này có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi [3]; tuy nhiên, khả năng trải qua BPPV tăng lên với tỷ lệ ổn định là 38% cho mỗi 10 năm tuổi, đạt đỉnh ở độ tuổi từ 50 đến 70 năm [3] và phụ nữ thường mắc BPPV nhiều hơn nam giới, với tỷ lệ mắc bệnh cao hơn khoảng 2 lần (2).
TRIỆU CHỨNG CỦA CHÓNG MẶT TƯ THẾ KỊCH PHÁT LÀNH TÍNH
Triệu chứng của BPPV ở mỗi người sẽ khác nhau, nhưng có những triệu chứng chung thường gặp như sau kéo dài khoảng vài giây đến vài phút:
– Chóng mặt hoặc cảm giác xoay tròn.
– Buồn nôn hoặc nôn
– Cảm giác mất phương hướng nghiêm trọng trong không gian
– Có thể có cảm giác chóng mặt và không ổn định kéo dài, nhưng ở mức độ nhẹ hơn, sau khi cơn chóng mặt đã qua.
Diễn biến tự nhiên của BPPV là giảm dần mức độ nghiêm trọng theo thời gian. Nhiều người thường báo cáo rằng cơn chóng mặt BPPV đầu tiên của họ là tồi tệ nhất, và các cơn sau đó không nghiêm trọng bằng.
BPPV lành tính và không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, những cơn chóng mặt sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nghiêm trọng, giảm khả năng tập trung, gây cản trở đến các hoạt động thường ngày. Hơn nữa, người cao tuổi mắc BPPV có tỷ lệ té ngã gây chấn thương, lo âu, trầm cảm và suy giảm khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày cao hơn.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHẨN ĐOÁN BPPV?
Các phương pháp hình ảnh thông thường như MRI, CT không hiệu quả trong việc chẩn đoán BPPV, vì chúng không hiển thị các hạt sỏi tai di chuyển vào các ống bán khuyên. Đối với người mắc BPPV, khi đầu được đưa vào vị trí khiến sỏi tai di chuyển trong ống bán khuyên, các tín hiệu sai lệch sẽ làm cho mắt di chuyển theo một hình thái rất đặc trưng, gọi là rung giật nhãn cầu (nystagmus). Rung giật nhãn cầu này có thể được quan sát bằng mắt thường trong quá trình chẩn đoán.
Tuy nhiên việc quan sát bằng mắt đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm, đôi khi sẽ bỏ sót những chuyển động rất nhỏ. Hiện nay, việc chẩn đoán trở nên nhanh chóng, chính xác và tối ưu hơn nhờ có thiết bị Ảnh động nhãn đồ (VNG). Thiết bị này được thiết kế với đầy đủ các chi tiết giúp cung cấp thông tin chính xác cho việc chẩn đoán rối loạn tiền đình nói chung và BPPV nói riêng:
– Hai camera độ phân giải cao ghi nhận rung giật nhãn cầu dù là nhỏ nhất, xác định chính xác hướng đặc trưng và biên độ của rung giật nhãn cầu. Hình ảnh mắt được ghi nhận và hiển thị trên máy tính.
– Mặt nạ che mắt nhằm tạo ra không gian tối, hạn chế việc mắt cố định hình ảnh để rung giật nhãn cầu được thể hiện rõ nhất.
– Mô hình 3D giúp xác định vị trí góc nghiêng của đầu theo mặt phẳng của ống bán khuyên.
Đây là một kỹ thuật không xâm lấn kết hợp thiết bị tiên tiến giúp xác định chính xác vị trí tổn thương tiền đình cũng như mức độ suy giảm chức năng của tiền đình, từ đó đưa ra phác đồ điều trị giúp bệnh nhân được phục hồi nhanh hơn. Ngoài BPPV, kỹ thuật Ảnh Động Nhãn Đồ (VNG) này còn giúp xác định nguyên nhân khác gây rối loạn tiền đình.


VẬY BPPV CÓ ĐIỀU TRỊ ĐƯỢC KHÔNG?
Câu trả lời là CÓ.
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính có thể tự khỏi, tuy nhiên sẽ kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng.
Việc phục hồi sẽ nhanh hơn khi người bệnh được điều trị bằng phương pháp tái định vị sỏi tai. Đây là một phương pháp an toàn, không dùng thuốc và được thực hiện nhanh chóng với tỷ lệ thành công cao (khoảng 80%). Các nghiệm pháp về thay đổi tư thế sẽ giúp sỏi tai di chuyển về vị trí bình thường ban đầu của chúng và người bệnh sẽ không còn tình trạng chóng mặt.
Đối với việc chẩn đoán và điều trị BPPV cần phải thực hiện dựa trên việc thay đổi tư thế nên sẽ có một số khó khăn cho những người bệnh gặp các bất thường ở cổ, lưng, tủy, người cao tuổi, người có tiền sử té ngã hoặc sợ ngã, …Để khắc phục những vấn đề này và đảm bảo tất cả người bệnh được điều trị đúng cách, ghế TRV (Vertigo Treatment and Rehabilitation) là công cụ độc đáo để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị:
– Đảm bảo an toàn: Bệnh nhân được cố định trên ghế bằng dây đai, gối tựa đầu, nâng đỡ chân, không té ngã và không ảnh hưởng đến cổ, lưng khi chẩn đoán và điều trị.
– Chính xác, hiệu quả: Ghế được thiết kế để dễ dàng thay đổi góc quay và mặt phẳng, đảm bảo thực hiện các nghiệm pháp chính xác, hiệu quả hơn trên ống bán khuyên bị tổn thương so với thực hiện trên giường bệnh thông thường. (4)
– Nhanh chóng, dễ dàng: Ghế TRV kết hợp cùng kính VNG trong quá trình thực hiện giúp quan sát tốt hơn các chuyển động bất thường của mắt trong quá trình được kích thích và phục hồi.
Điều trị BPPV căn bản là điều trị không dùng thuốc mà sử dụng các nghiệm pháp tái định vị sỏi tai. Kỹ thuật Ảnh động nhãn đồ (VNG) và ghế điều trị TRV là thiết bị mạnh mẽ trong chẩn đoán và điều trị Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV) giúp tiết kiệm chi phí, thời gian phục hồi nhanh chóng, hiệu quả điều trị cao. Đây là một ưu điểm khi ứng dụng kỹ thuật chẩn đoán và điều trị công nghệ cao trong rối loạn tiền đình.
Ở Việt Nam, hiện đã có 2 cơ sở trang bị đầy đủ các thiết bị chẩn đoán và điều trị BPPV là Bệnh viện Quân Y 175 và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Khi xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, người bệnh cần đến ngay các cơ sở có đầy đủ chức năng để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
Tài liệu
(2) Bhattacharyya N, Gubbels SP, Schwartz SR, et al. Clinical Practice Guideline: Benign Paroxysmal Positional Vertigo (Update). Otolaryngol Head Neck Surg 2017;156 (3_suppl): S1-S47.
(3) Weber, P. (2017) Vertigo and Disequilibrium. A Practical Guide to Diagnosis and Management. 2nd Edition, Theime, New York.
(4) Yamout, A.K.A. (2022) Comparison of the Effectiveness of TRV Chair and Canalith Repositioning Procedure (CRP) for the Treatment of Benign Paroxysmal Positional Vertigo (BPPV). International Journal of Otolaryngology and Head & Neck Surgery, 11, 143-153
>>> Xem thêm: