MẤT THÍNH LỰC MỘT BÊN TAI Ở TRẺ EM

MẤT THÍNH LỰC MỘT BÊN TAI Ở TRẺ EM

Mất thính lực một bên tai là mất thính lực mức độ nặng đến sâu một bên và tai bên kia có sức nghe bình thường. Nó ngày càng phổ biến hơn và có nhiều ảnh hưởng đối với trẻ em.

Trước đây, người ta suy nghĩ rằng, trẻ có một tai nghe tốt là đủ cần thiết cho sự phát triển lời nói và ngôn ngữ gần như những trẻ bình thường. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngay cả ở mức độ nghe kém một bên nhẹ cũng có thể có tác động xấu đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, bởi vì những đứa trẻ này không nghe rõ, nên không chú ý và có thể đánh mất cơ hội học tập ngẫu nhiên bằng cách nghe lỏm lời nói. Từ các nghiên cứu ở người trưởng thành, người ta biết rằng khi não bị thiếu đầu vào kích thích âm thanh ở một hay hai bên tai, theo thời gian các tế bào thần kinh não bộ trải qua quá trình tái tạo và tổ chức lại hoạt động trong những năm sau. Nếu quá trình tái tổ chức này xảy ra ở trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển các kết nối thần kinh ở vỏ não quan trọng, ngăn sự phát triển tối ưu về lời nói và ngôn ngữ và có thể bị ảnh hưởng vĩnh viễn.

Mất thính lực một bên do những nguyên nhân gì?

Khoảng 31-54% các trường hợp điếc một bên không rõ nguyên nhân.

Có khoảng 45% trẻ điếc một bên do dị tật bẩm sinh, phổ biến nhất do thiếu hụt thần kinh ốc tai, chậm phát triển, sinh non, hội chứng điếc bẩm sinh do rối loạn di truyền,…

Các yếu tố nguy cơ cao gây tổn thương tế bào lông trong ốc tai như:

  • Nhiễm độc tai do thuốc điều trị kháng sinh nhóm Aminoglycoside, hóa trị liệu ung thư,…
  • Nhiễm Virus Quai bị.
  • Viêm màng não do vi khuẩn.
  • Co thắt hay thuyên tắc mạch máu nuôi ốc tai
  • Rối loạn tai trong do bệnh tự miễn.
  • U thần kinh thính giác hay các tổn thương vùng góc cầu tiểu não.
  • Các yếu tố khác….

Trẻ bị mất thính lực một bên biểu hiện như thế nào?

Có thể khó nhận thấy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi, đối với trẻ lớn hơn bị điếc một bên có thể thấy những biểu hiện sau:

  • Khó định hướng âm thanh: trẻ khó tìm ra nguồn phát ra âm thanh hay có thể bỏ lỡ một số thông tin nếu không chú ý đến người đang nói. Việc định hướng âm thanh cũng quan trọng cho sự an toàn trong cuộc sống nhất là trong lúc đang tham gia giao thông, trẻ có thể gặp khó khăn khi không biết tiếng còi phát ra từ đâu dễ khiến trẻ gặp nguy hiểm.
  • Khó hiểu lời nói ở những nơi ồn ào mà điều này sẽ dễ dàng hơn nếu sức nghe cả hai tai bình thường để tập trung vào âm thanh lời nói
  • Khó hiểu rõ trọn vẹn nội dung câu nói của ai đó từ một phòng khác hoặc từ bên ngoài. Vì khi chúng ta nghe bằng cả hai tai thì cường độ âm thanh sẽ được cộng hưởng lớn hơn do đó nghe thấy dễ dàng và rõ ràng hơn

Khi gặp khó khăn trong việc nghe, trẻ có thể biểu hiện:

  • Khó chịu vì không thể nghe được.
  • Rất mệt mỏi vào cuối ngày khi phải tập trung nghe lời nói trong giao tiếp cả ngày.
  • Có vẻ như trẻ không chú ý hay tập trung vào việc nào đó.
  • Trả lời sai câu hỏi.
  • Dễ nổi giận khi thất vọng.
  • Bật TV hoặc radio quá to.

Làm thế nào để phát hiện nghe kém một bên?

Với trẻ có các biểu hiện như trên thì phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chất lượng, uy tín để nhận được sự tư vấn của các nhà chuyên môn phù hợp như:

  • Phòng khám Tai mũi họng để được thăm khám, thực hiện các xét nghiệm tìm nguyên nhân và có hướng điều trị các bệnh lý nếu có.
  • Trung tâm thính học để các chuyên viên đo các test kiểm tra toàn bộ chức năng hệ thống thính giác của trẻ, giúp xác định tình trạng nghe kém và tư vấn các giải pháp phù hợp.
  • Phòng khám sức khỏe trẻ em để đánh giá về phát triển tâm trí và ngôn ngữ của trẻ, cho lời khuyên bổ ích giúp trẻ học nghe nói, gợi ý những cách giúp trẻ nghe ở nhà và ở trường.

Việc phát hiện mất thính lực một bên đã được cải thiện rất nhiều với chương trình sàng lọc thính giác sơ sinh, tuy nhiên điều quan trọng là phải tiếp tục sàng lọc trong suốt thời gian trưởng thành của trẻ do những nguyên nhân mắc phải có thể xảy ra trong cuộc sống.

Giải pháp cải thiện nghe kém một bên

Khi đã xác định mất thính lực một bên mà không thể hồi phục được với phương pháp điều trị y khoa, trẻ cần được can thiệp sớm giúp trẻ có thể nghe được bằng hai tai, giúp cải thiện khả năng nhận biết lời nói, cải thiện khả năng định vị âm thanh, tăng khả năng nhận biết âm thanh do tổng hợp sức nghe từ hai tai và cải thiện khả năng nghe cả trong môi trường ồn ào và yên tĩnh.

Tùy theo độ tuổi và mức độ mất thính lực, các nhà chuyên môn sẽ giúp bạn lựa chọn giải pháp phù hợp cho trẻ như chọn loại thiết bị trợ thính, kế hoạch huấn luyện nghe nói, đưa ra những lời khuyên gợi ý cách giúp trẻ nghe ở nhà & ở trường hay trong môi trường giao tiếp trong xã hội một cách tối ưu nhất.

Trước đây, việc sử dụng máy trợ thính ở trẻ em bị mất thính lực một bên được cho là không có bất kỳ lợi ích nào, tuy nhiên, thực tế này đang thay đổi nhanh chóng, vì Briggs et al. (2011) báo cáo rằng mặc dù nhận thức lời nói không thay đổi sau khi sử dụng máy trợ thính, nhưng chất lượng cuộc sống tăng lên đáng kể ở trẻ bị mất thính lực một bên. Cấy ốc tai cũng đã bắt đầu được đề nghị cho trẻ em bị mất thính lực sâu một bên và đã được chứng minh là thành công trong việc phát triển ngôn ngữ của trẻ (Dwyer, Firszt, & Reeder, 2014 ; Hassepass và cộng sự, 2013).

Để được tư vấn thêm về vấn đề này, quý phụ huynh vui lòng liên hệ hotline 1800 1056 để được hẹn gặp bác sĩ chuyên khoa.

Nguồn:

Tìm hiểu thêm: