THÍNH LỰC Ở TRẺ EM: HỆ THỐNG THÍNH GIÁC CỦA CON NGƯỜI

Để hiểu được trọn vẹn thế nào là giảm thính lực, cần biết đến chức năng của hệ thống thính giác

Tất cả âm thanh khởi nguồn từ chuyển động. Ví dụ gió thổi là nguyên nhân làm cây cỏ xào xạc. Những chiếc lá đẩy các phân tử trong không khí, làm chúng rung động. Sự rung động được gọi là sóng âm thanh và tai có thể cảm nhận được. Sự rung chuyển chậm (tần số thấp) nghe được như các âm thấp (tiếng bass), trong khi các rung động nhanh (tần số cao) nghe được như các âm cao (tiếng trep)

Ta nghe được đầy đủ là nhờ hoạt động của một hệ thống  thính giác hoàn chỉnh. Nó thu nhận sóng âm thanh và biến đổi chúng thành những xung động thần kinh, đọc được bởi bộ não.

Hệ thống nghe bao gồm 3 phần chính: Tai ngoài, tai giữa và tai trong.

Tai ngoài

Tai ngoài gồm vành tai và ống tai ngoài. Màng nhĩ nằm ở cuối ống tai, và định ranh giới đến tai giữa. Tai ngoài tiếp nhận sóng âm thanh và tạo lực tác động lên màng nhĩ, làm màng nhĩ rung động và chuyển các rung động đến tai giữa.

Tai giữa

Tai giữa được lấp đầy không khí. Tại vòi nhĩ, nơi kết nối tai giữa đến họng, có chức năng giữ áp suất không khí trong tai giữa cân bằng với áp lực không khí bên ngoài. Có 3 xương con trong khoang tai giữa, xương búa, xương đe và xương bàn đạp. Chuỗi xương này hình thành một cơ chế đòn bẩy, dẫn truyền xung động của màng nhĩ đến dịch tai trong.

Tai trong

Tai trong, hay ốc tai, có hình dạng như một cái vỏ ốc chứa đầy chất lỏng. Cơ cấu cân bằng được gắn liền đến ốc tai và được tạo thành từ 3 ống bán nguyệt chứa đầy chất lỏng. “Cửa số bầu dục” kết nối tai giữa và tai trong. Đế của xương bàn đạp gắn với cửa sồ bầu dục và có chức năng như một van đẩy sự di chuyển các chất dịch của tai trong. Sự di chuyển của dịch trong ốc tai gây kích thích các tế bào lông tạo ra tín hiệu thần kinh, và tín hiệu này được truyền lên não qua dây thần kinh thính giác. Não nhận biết những tín hiệu như là âm thanh.

Thông qua cách dẫn truyền xoắn ốc tuyệt vời này, mà tai có khả năng thu nhận sóng âm thanh, biến đổi thành rung động xương, rồi thành sóng chuyển động trong dịch tai, để cuối cùng là các xung động thần kinh. Toàn bộ sắp xếp trong một hệ thống phức tạp, tạo nên khả năng nghe của chúng ta.

Các phần tiếp theo

SỰ PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG NGHE TỰ NHIÊN

SỰ SUY GIẢM THÍNH LỰC