NÊN LÀM GÌ KHI TRẺ ĐÃ XÁC ĐỊNH BỊ KHIẾM THÍNH?

Khi đã phát hiện nghe kém, dù ở mức độ nào cũng cần phải có các giải pháp can thiệp sớm đeo máy và huấn luyện để giúp trẻ phát triển khả năng nghe nói về sau. Tất nhiên dù cho trẻ đeo máy loại nào cũng không thể đưa sức nghe của trẻ trở lại bình thường, nhưng 2 giải pháp dưới đây là chọn lựa duy nhất giúp cho trẻ học nghe – nói.

A.    Thiết bị:

1.    Đeo máy trợ thính :

Cho trẻ đeo máy trợ thính càng sớm càng tốt (từ 6 tháng tuổi) nhằm tận dụng tối đa năng lực nghe còn sót lại để đẩy mạnh sự phát triển ngôn ngữ. Nguyên tắc của máy trợ thính là khuếch đại âm thanh phát vào tai trẻ theo sinh lý nghe bình thường, với trường hợp mức giảm thính lực không quá sâu, việc lựa chọn máy phù hợp, hiệu chỉnh âm thích hợp sẽ cải thiện sức nghe cho trẻ, giúp trẻ học tập và hòa nhập với cuộc sống bình thường.

2.    Phẫu thuật cấy điện ốc tai:
Là phương pháp có chỉ định cho những trẻ điếc thần kinh rất nặng và sâu khi đeo máy trợ thính không mang lại chút ít hiệu quả nào.

B.    Huấn luyện và hổ trợ: dù cho trẻ được trang bị loại thiết bị nào, việc huấn luyện và hổ trợ từ gia đình đóng vai trò quyết định cho việc phát triển ngôn ngữ của trẻ.

1.    Rèn luyện khả năng nghe – nói :
Trẻ phải được huấn luyện khả năng nghe – nói bởi các nhà chuyên môn sau khi đeo máy trợ thính hoặc cấy điện cực ốc tai; có như vậy sự phục hồi khả năng nghe nói mới được phát huy tối đa
– Tập cho trẻ lưu ý, nhận thức thế giới âm thanh, môi trường âm thanh quanh mình.
– Phát hiện khả năng đọc hình miệng

– Tập cho trẻ nghe, hiểu và nói nhằm phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ.

Việc giáo dục rèn luyện này phải phù hợp với đặc điểm riêng của từng trẻ, trãi qua nhiều năm và đòi hỏi sự kiên nhẫn của cha mẹ cũng như sự hợp tác tích cực của trẻ.

2.    Vai trò của gia đình :
Gia đình có vai trò rất to lớn trong việc hỗ trợ rèn luyện trẻ quan tâm đến thế giới âm thanh và việc trẻ học nói. Việc học của trẻ không chỉ phụ thuộc vào thái độ của cha mẹ đối với trẻ mà còn vào thái độ đối với nhau, đối với thế giới xung quanh nói chung. Tất cả những gì cha mẹ làm trước mặt trẻ, đều ảnh hưởng đến tính cách và thái độ ứng xử của trẻ đối với thế giới xung quanh và khả năng giao tiếp của trẻ.