NGƯỜI KHIẾM THÍNH VÀ SỰ TỰ TIN
Đầu năm 2019, mình đã được dịp tham gia chương trình “Tri ân khách hàng” của công ty Trợ Thính Quang Đức. Đây là dịp để những người đã tham gia, những người trong cuộc cùng chia sẻ câu chuyện xung quanh vấn đề khiếm thính và cấy ốc tai. Mình được mời chia sẻ và nói lên những suy nghĩ, những trải nghiệm của bản thân. Điều này gây rất nhiều sự tò mò và hứng thú cho các quý phụ huynh, câu hỏi mình nhận được nhiều nhất có lẽ là:
“Làm sao em được sự tự tin như vậy?”
Có một chia sẻ rất hay về người khiếm thính như thế này: Nếu bạn là người Điếc – có máy trợ thính hay được cấy ốc tai và nghe tốt nhờ chúng, bạn vẫn là một người Điếc. Điếc thực sự không hẳn là một cái rào cản to lớn, cho dù bạn là một người Điếc hoàn toàn, bạn vẫn có thể làm được mọi thứ nếu bạn nghĩ mình sẽ làm được. Sự thật luôn là như vậy. Bạn có thể nghe điện thoại, xem tivi, làm việc, học tập… hay thậm chí là đi du lịch một mình, hoặc tham gia vào một dự án xã hội, tham gia các hoạt động mà bạn yêu thích – nhưng bạn sẽ làm nó theo một cách khác, theo cách của bạn.
Đó là một chia sẻ rất hay, hoàn toàn có cơ sở!
Người khiếm thính như mình vốn dĩ trở ngại lớn về mặt giao tiếp, khiến họ trở nên tự ti, khép kín trước xã hội. Nhưng đây không phải là cách hay, vì bản thân bạn đã tự cách li mình ra khỏi sự tiến bộ của xã hội. Người lành lặn hay khiếm khuyết thì vẫn là con người, ngoại trừ có sự khuyết tật về trí tuệ hoặc không còn khả năng lao động, thì người khiếm thính chúng ta vẫn có thể làm được, chỉ là bạn chưa dám làm, chưa dám thử. Một năm trước đây, mình là một sinh viên khiếm thính mới tốt nghiệp, đối diện với nhiều câu hỏi:
– Điếc thì làm sao đi làm được?
– Người ta nói sao mà nghe?
– Điếc sao mà đi xin việc được?
– Và hàng tá câu hỏi khác…
Mình rất buồn…
Bỏ ngoài tai những câu hỏi đó, mình mạnh dạn đi xin việc bằng cách nộp hồ sơ trực tiếp, qua trang web tuyển dụng hoặc qua email. Khó khăn thực sự tới là bên nhân sự sẽ liên hệ bằng điện thoại (vì không phải công ty nào cũng liên lạc qua tin nhắn hoặc qua mail), lúc này mình đã đưa ra giải pháp là: nhờ người bạn nghe điện thoại giùm, trả lời câu hỏi của họ và hẹn họ trả lời qua tin nhắn hoặc email. Họ rất thông cảm và giúp đỡ mình bằng cách đó.
Trong buổi phỏng vấn, họ đã hỏi mình một câu hỏi rất thông thường: “Bạn hãy cho chúng tôi biết ưu điểm và nhược điểm của bạn là gì?”
Mình trả lời: “Ưu điểm của em là sự tự tin, trách nhiệm với công việc và học hỏi nhanh. Nếu không có sự tự tin thì hôm nay em đã không ngồi đây phỏng vấn. Nhược điểm của em là nghe không tốt dẫn đến rắc rối trong giao tiếp công việc.”
Nhà tuyển dụng nói một câu ấn tượng: “Chúng tôi rất thích sự tự tin của em, nhưng nhược điểm đó không phải là nhược điểm của em, tôi nhận thấy nó là một ưu điểm, nó làm em sẽ tập trung trong công việc hơn. Còn em có thể nói thêm nhược điểm khác được không?”
Mình trả lời luôn: “Nhược điểm của em là có quá nhiều ưu điểm.” (Cả phòng đều cười)
Đó chỉ là một trong các tình huống mà mình đã trải qua. Chúng ta đứng trước một thử thách thường hay nói trước cái khó khăn và luôn chùn bước trước nó, không chịu thử và không tìm cách vượt qua chính nó. Một phần cũng do thiếu những lời động viên tích cực. Đây là tâm lý bi quan chung của nhiều người, không chỉ ở người khuyết tật nói chung. Khi thấy ai làm điều gì khác lạ thì cũng có những câu như: “Thôi bỏ đi, mình làm cũng không bằng người ta đâu.”
Đừng quá tự ti hay bi quan, cuộc sống luôn có nhiều thử thách. Vượt qua nó được hay không do chính bản thân chúng ta. Lý Tiểu Long từng có câu nói rất hay là: “Đừng mong một cuộc sống dễ dàng, hãy cầu cho có sức mạnh để vượt qua nó.”
Mình hy vọng một chút chia sẻ này giúp cho các bạn khiếm thính thay đổi được sự rụt rè, sợ hãi của mình thay bằng sự tự tin và mạnh dạn hơn. Bạn khiếm thính – nhưng bạn sẽ làm được những điều bạn thích – theo cách của riêng bạn.
Kính chúc mọi người một năm mới Sức Khỏe Dồi Dào, Vạn Phúc An Khang.
Chúc mừng năm mới Xuân Kỷ Hợi 2019