NGƯỜI NGHE BẰNG MẮT

Mặc dù không sử dụng được máy trợ thính, với tai trái điếc 115 dB (mức độ điếc tối đa của con người là 120 dB), tai phải 93 dB, chị vẫn nghe và nghe rất giỏi bằng mắt. Chị cũng là người khiếm thính hiếm hoi của Việt Nam hiện nay đã tốt nghiệp đại học, và đang chuẩn bị lên đường lấy bằng thạc sĩ ngành Tham vấn đồng cảnh của trường Gallaudet-Mỹ.

Chị là Dương Phương Hạnh, người sáng lập Trung tâm Giáo dục Người khiếm thính Việt Nam; điều phối viên chính và thành viên Ban cố vấn của nhiều tổ chức người điếc quốc tế.

 

Học bằng cách đọc tín hiệu môi

Sinh năm 1968, quê Sa Đéc, Đồng Tháp, năm 6 tuổi, cô bé Hạnh đã bất ngờ mất khả năng nghe sau một trận sốt. Trong một thời gian dài, Hạnh cứ ngỡ cả thế giới chỉ có mỗi mình bị khiếm thính. Cô vẫn học tập giữa những người bạn bình thường với đôi tai bất thường. Hạnh học bằng cách đọc tín hiệu môi. Tuy nhiên, khi giáo viên quay lên bảng vừa nói vừa viết bài, coi như cô bị ngắt quãng dòng kiến thức. Ở những đoạn chưa nghe, chưa hiểu, Hạnh học lại qua một người bạn thân duy nhất của mình.

Hạnh còn nhớ những điểm 10 môn toán của cô khiến giáo viên nghi ngờ học trò sao chép bài của bạn bên cạnh. Thế là, lần nào ra bài kiểm tra, cô giáo cũng chăm chú theo dõi một “đối tượng” khả nghi duy nhất là Hạnh. Cuối cùng bé Hạnh năm nào đã vững bước vào giảng đường khoa Hóa, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh khóa 1988-1993.

Ra trường, không tìm được việc làm và quay trở về quê, thời gian thất nghiệp, cô tự học Anh văn. Người điếc học tiếng Việt đã khó, học tiếng Anh với 50% âm câm còn khó gấp bội phần. Không nghe được chính giọng nói của mình, nhưng suốt ngày cô cứ nghêu ngao những vần thơ  cho đến khi không còn cảm thấy khó khăn trong phát âm. Hạnh đọc lớn rồi nhờ người nhà sửa những từ bị ngọng. Hạnh còn tích cực xem phim có phụ đề để xem cách diễn đạt. “Nhiều câu thông minh quá. Mình cứ nghĩ hoài và quyết phải thể hiện được như họ”. Sau này, khi lần lượt chuyển qua các công ty hóa dầu (Vĩnh Long) và công ty tư vấn du học (TP. Hồ Chí Minh), Hạnh cũng tìm mọi cơ hội học viết, học nói từ đồng nghiệp. Chị tự hào kể: “Chỉ cách đây một năm thôi, nhìn mình trả lời trên truyền hình, thấy môi còn lắp ba lắp bắp, nhưng bây giờ ai cũng khen Hạnh mở khẩu hình rất chuẩn”.

Thắp lên ngọn lửa niềm tin

Nếu không có cuộc gặp gỡ định mệnh giữa chị và Johan Hammastrom, một phi công khiếm thính người Thụy Điển, có lẽ giờ này chị đã yên ổn với một vị trí biên dịch nào đó. Qua Internet, biết Johan sắp thực hiện “Chuyến bay vòng quanh thế giới vì người khiếm thính” (bắt đầu từ tháng 3-2006), Hạnh tìm cách liên lạc và họ có cuộc gặp mặt tại TP. Hồ Chí Minh. Cũng từ đây, chị đã thực sự có công việc hằng mơ ước, là được làm trong môi trường của người khiếm thính.

Đi nhiều nơi trên thế giới, chứng kiến sự thành công của người khiếm thính trên các lĩnh vực, chị càng nung nấu ước mơ mang “thiên đường” đó về Việt Nam. “Tôi đã gặp những người thầy, người bạn đồng cảnh ngộ rất tuyệt vời. Nhờ đó, ngọn lửa niềm tin trong tôi đang hừng hực cháy. Đó là tiến sĩ J.King Jordan, cựu Chủ tịch trường Gallaudet-trường đại học đầu tiên và duy nhất trên thế giới dành cho người điếc. Bà Sue Thomas, nhân viên FBI chuyên đọc tín hiệu môi băng ghi hình các tội phạm. Chị Junko Ohba, nhân viên tại tòa soạn báo quốc gia Nhật Bản… Tất cả họ đều bị điếc từ nhỏ, nhưng vẫn trở thành chuyên gia trong các ngành nghề đòi hỏi trình độ rất cao”, chị Hạnh cho biết.

Qua những chuyến đi ấy, chị đã chia sẻ với thế giới về đời sống của người điếc Việt Nam. Họ có thể làm được gì và đang cần gì. Chị như một phát ngôn viên của cộng đồng người khiếm thính.

Nếu được học, cái tốt sẽ được nhân lên

Điều chị Dương Phương Hạnh luôn trăn trở và đeo đuổi, đó là làm sao người khiếm thính cũng có cơ hội học tập như bao người. Cứ tưởng người điếc muốn nghe thì chỉ việc dùng máy trợ thính. Thực tế, không phải ai cũng dùng được máy này. Nếu thích nghi được thì cần đầu tư từ 5-75 triệu đồng/bộ. Một đời người trung bình phải thay 15 lần máy. Trong khi đó, phần lớn người điếc đều nghèo.

Ở các nước khác, người khiếm thính đạt học vị tiến sĩ là chuyện bình thường. Họ góp mặt trong các lĩnh vực như giảng viên đại học, mục sư, phi công… Nhưng ở nước ta, mới có khoảng trên 10 em khiếm thính tốt nghiệp cấp 3. Hiện không có trường chuyên biệt cấp 2, cấp 3 dành cho người khiếm thính tại Việt Nam. Nguồn giáo viên cũng khan hiếm khi chỉ có Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương 3 đào tạo dạy mẫu giáo cho trẻ khiếm thính; Bộ môn Giáo dục đặc biệt Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh chuyên ngành khiếm thính cũng chỉ đào tạo giáo viên dạy bậc tiểu học.

Chị Dương Phương Hạnh dùng cả tay, mắt, môi để “nói” chuyện với các em khiếm thính Đà Nẵng.

Người khiếm thính không được học hành, nhưng với đôi tay khéo léo và sự cần mẫn vẫn có thể kiếm tiền và sống tốt. Nhưng chị lại có suy nghĩ khác, nếu được học, cái tốt sẽ được nhân lên. Bởi không chỉ kiếm sống, nhờ học vấn, người khiếm thính sẽ trở thành những con người có bộ óc biết suy nghĩ, biết phân biệt cái tốt, xấu, đúng, sai và tự tin với đời.

Chị nói rằng: “Não của con người cũng giống như CPU máy tính. Khi được cài phần mềm Word, chúng ta có thể đánh văn bản. Khi cài Excel, chúng ta có thể tính toán”. Không được học, coi như đầu óc người khiếm thính chưa được “cài đặt”, họ thực sự mù tịt thông tin và cách xử lý. Chính vì điều này, nhiều em khiếm thính thường không tìm được việc làm hoặc không biết ứng xử trong công việc.

Không ít lần đích thân chị đi xin việc cho các em, nhưng tới ngày nhận việc thì không em nào có mặt bởi… sợ. Những lúc ấy chị đã nói với những đứa trẻ này như trút bỏ tâm tình của một người chị ruột thịt: “Các em có biết là đường đời không bao giờ bằng phẳng, nhất là khi ta sống bằng chính sự nỗ lực bản thân, không cầu lụy ai, cũng không bon chen tranh giành quyền lợi cá nhân, lúc nào cũng giữ được bản chất tốt đẹp của một con người là khó lắm không?”.

Người điếc đứng ngoài vòng pháp luật?!

Chị Dương Phương Hạnh cho biết, người điếc trên cả nước đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhưng vô hình trung tất cả cùng vi phạm pháp luật, bởi không ai trong số đó có bằng lái xe. Chị cũng không ngoại lệ. Dù rất muốn nhưng người điếc không được học và không có cơ hội học luật. Có nhiều người điếc đã bị cảnh sát giao thông “huýt còi”, họ ra dấu, thế là lại được đi tiếp. Tại TP. Hồ Chí Minh có một nhóm 40 em câm điếc chuyên đi cướp vặt bằng cách lạng lách xe máy vào các hang cùng ngõ hẻm. Các em nói rằng: “Mình điếc không ai giam xe đâu”.
Lần đầu tiên tiếp xúc với trẻ khiếm thính Đà Nẵng, chị đã dành từng giây phút làm việc miệt mài như để bù đắp được chừng nào hay chừng nấy những thiếu hụt về kiến thức của các em. Chị dạy kỹ năng và “gánh” thêm việc đi gõ cửa các nơi để tìm một chỗ cho người khiếm thính sinh hoạt định kỳ. “Em ơi, chị đã liên hệ được địa điểm cho các em khiếm thính Liên Chiểu rồi, còn Hải Châu nữa, chị tìm chưa ra”, về lại Sài Gòn, chị Dương Phương Hạnh vẫn không yên…

Ngay với các bậc phụ huynh có con khiếm thính, chị cũng tha thiết mong một cơ hội được trò chuyện để chia sẻ kỹ năng nuôi dạy con. Bởi thực tế đã cho thấy, những đứa trẻ khiếm thính phát triển tốt đều có chung điểm xuất phát là được gia đình quan tâm và chăm sóc đúng cách. “Chỉ cần một nhóm phụ huynh có yêu cầu, tôi sẽ lập tức ra Đà Nẵng”, chị Hạnh nói.

Nguồn: baodanang.vn

Các bài viết cùng chủ đề: