​PHÁT HIỆN SỚM BẤT THƯỜNG CHỨC NĂNG NGHE Ở TRẺ

Những bất thường về chức năng nghe của trẻ (đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ) thường khó phát hiện.

Bệnh lý điếc hay nghe kém ở trẻ em cần can thiệp sớm

Đến khi cha mẹ nhận thấy những dấu hiệu rõ ràng thì trẻ có thể đã bị bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển nhận thức và ngôn ngữ. Vì trẻ bị điếc hoặc nghe kém thường chậm nói hoặc không nói được, từ đó dẫn đến chậm phát triển ngôn ngữ, gặp khó khăn trong học tập và hòa nhập xã hội.

 

                                   Ảnh minh họa (Nguồn Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai)

Đối với bệnh lý điếc hay nghe kém ở trẻ em thì việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời rất quan trọng. Trẻ nghe để học nói. Trong bào thai và khi mới sinh trẻ đã nghe được âm thanh.

Trung tâm phát triển ngôn ngữ ở vỏ não chỉ phát triển trong thời gian 3 – 4 năm đầu đời, trung tâm ngữ nghĩa thì khoảng 1 – 2 năm đầu đời. Vì thế, phát hiện bé không có khả năng nghe khi đã 3 tuổi là muộn.

Ảnh hưởng của nghe kém hoặc điếc đến sự phát triển của trẻ tùy thuộc vào lứa tuổi mắc bệnh. Nếu trẻ bị điếc hoặc nghe kém trong giai đoạn mới sinh thì nhiều khả năng trẻ sẽ không nói được; không những ngôn ngữ không phát triển mà trẻ còn bị ảnh hưởng nhiều đến tâm lý.

Trẻ bị điếc không nghe được những âm thanh mà bản thân phát ra, không hiểu được ý nghĩ của người khác và không hòa vào môi trường âm thanh xung quanh, do đó dẫn đến các biểu hiện rối loạn tâm lý như cáu kỉnh, hay khóc lóc, gây gỗ, hoặc lãnh đạm thờ ơ, tính khí thất thường… từ đó gia đình và nhà trường sẽ gặp nhiều khó khăn trong giáo dục.

Nếu trẻ mắc chứng nghe kém hoặc điếc sau khi đã biết nói thì việc phát hiện và can thiệp sớm giúp trẻ giao tiếp và học hành tốt hơn.

Nguyên nhân gây điếc hoặc nghe kém ở trẻ

Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến bị điếc hoặc nghe kém ở trẻ em bao gồm nguyên nhân bẩm sinh và nguyên nhân mắc phải.

– Nguyên nhân bẩm sinh gồm có: do di truyền, khoảng 50% tất cả các trường hợp điếc bẩm sinh là do di truyền; do quá trình mang thai của mẹ, trong thời gian 3 tháng đầu của thai kỳ người mẹ bị một số bệnh nhiễm trùng như Rubella, giang mai hoặc người mẹ đã dùng các thuốc có thể gây ngộ độc cho thai nhi như nhóm aminoglycosides, cytotoxic, thuốc điều trị sốt rét… hay người mẹ có tiền sử hút thuốc, uống rượu trong quá trình mang thai.

Ngoài ra, trẻ có thể bị điếc trong quá trình sinh nở như đẻ non khi thai chưa phát triển hoàn thiện, chuyển dạ kéo dài (trẻ thiếu oxy, làm suy thai), vị trí nhau bám bất thường, vàng da sau sinh hay can thiệp bằng biện pháp thô bạo trong lúc đẻ…

– Nguyên nhân mắc phải: một số trẻ có thể bị điếc sau sinh do rối loạn gien, nhiễm vi khuẩn, vi rút, sử dụng một số loại kháng sinh gây ngộ độc tai, hoặc bệnh lý khác của tai như viêm tai mạn tính, viêm màng não, viêm não, có khối u, có dị vật lọt vào tai, chấn thương vùng đầu… Thông thường các trường hợp này đều không thể điều trị được, chỉ có thể can thiệp bằng các biện pháp nghe hỗ trợ như dùng máy.

Các dấu hiệu phát hiện sớm

Phụ huynh có thể quan sát và phát hiện sớm các vấn đề về thính giác ở trẻ dựa vào các dấu hiệu nhận biết trẻ bị điếc hoặc nghe kém như:

– Trẻ dưới 8 tháng tuổi: Không giật mình khi nghe những âm thanh lớn, không có phản ứng gì trước tiếng nói của bạn.

– Trẻ từ 12 tháng – 18 tháng tuổi: Không bắt đầu bằng việc bắt chước và sử dụng được một số từ đơn như ba, bà… hoặc không thể phân biệt các đồ vật xung quanh mình, không nghe được tivi ở mức âm lượng bình thường.

– Trẻ 2 tuổi: Không thể làm theo những yêu cầu đơn giản mà thiếu những gợi ý bằng hình ảnh, hành động hoặc không thể lặp lại các cụm từ.

– Trẻ 3 tuổi: Không thể định hướng được nơi phát ra âm thanh hoặc không hiểu và không sử dụng được những từ như: đi, con, to, lớn…

– Trẻ 4 tuổi: Không thể kể ra một vài việc chúng làm gần đây.

– Trẻ 5 tuổi: Không thể thực hiện được một cuộc trò chuyện đơn giản, hoặc những câu trẻ nói rất khó hiểu.

– Lứa tuổi đến trường: Việc suy giảm chức năng nghe ở lứa tuổi này đôi khi được xác định bằng sự thiếu tập trung, hay lơ là, học lực giảm sút, thường xuyên bị cảm lạnh hoặc đau tai.

Nếu phụ huynh thấy con em mình có một trong những biểu hiện trên hoặc không thể hiện những hành vi đúng theo lứa tuổi nên đưa con đi khám bệnh ở các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng càng sớm càng tốt.

Bác sĩ sẽ thăm khám và đưa ra biện pháp chữa trị phù hợp: uống thuốc, đeo máy trợ thính, phẫu thuật cấy điện cực ốc tai… từ đó giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và tư duy, khả năng giao tiếp và hòa nhập cộng đồng.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai

Download Foxit Reader 12.11 Full Crack Miễn Phí 2024 – Phần Mềm Đọc PDF Số 1 Hướng dẫn Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack Miễn Phí