TẦM QUAN TRỌNG CỦA CAN THIỆP SỚM THEO NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Tháng 5 là tháng nhận thức về sức khỏe thính lực và ngôn ngữ, Hearing Health Foundation (HHF) nhân dịp này chia sẻ về tầm quan trọng của can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính và hiệu quả của việc đó đối với sự phát triển ngôn ngữ.

HHF đã đóng vai trò quan trọng trong việc vận động cho đạo luật phổ cập tầm soát thính lực trẻ sơ sinh. Nhờ đó, ngày nay 97% trẻ sơ sinh được sàng lọc khiếm thính trước khi xuất viện. Năm 1993, con số đó là 5%. Khoảng 3 trong số 1.000 trẻ em ở Hoa Kỳ bị điếc hoặc khiếm thính bẩm sinh. Trong số đó hơn 90% trẻ có cha mẹ có thính lực bình thường.

Việc phát hiện sớm cho phép trẻ khiếm thính nhận được sự giúp đỡ cần thiết trong hai năm đầu đời, giai đoạn quan trọng đối với sự phát triển kỹ năng nói và ngôn ngữ. Trẻ bị giảm thính lực được phát hiện càng sớm, gia đình tìm hiểu càng nhiều kiến thức về can thiệp sớm thì càng dễ đưa ra quyết định tốt nhất cho giải pháp trợ thính cũng như cách phát triển nghe nói của con mình. 

Với sự can thiệp sớm, trẻ khiếm thính có thể phát triển kỹ năng ngôn ngữ giúp trẻ tự do giao tiếp và học hỏi một cách chủ động. 

Tuy nhiên, nếu tình trạng giảm thính lực của trẻ không được phát hiện và điều trị, hoặc được can thiệp trễ thì việc đó có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ được đeo máy trợ thính hoặc cấy điện cực ốc tai sớm hơn sẽ có kết quả ngôn ngữ tốt hơn. Các phương thức dạy nghe nói và trò chuyện giữa mẹ và con được sử dụng trong quá trình can thiệp sớm cũng có thể cải thiện các kỹ năng ngôn ngữ theo thời gian. Một nghiên cứu kiểm chứng khác cũng kết luận rằng những trẻ bị giảm thính lực vĩnh viễn được can thiệp sớm trước 6 tháng tuổi phát triển các kỹ năng ngôn ngữ theo đúng lứa tuổi của mình hơn so với những trẻ được can thiệp sau 6 tháng tuổi. 

Tương tự, một nghiên cứu khác đã gợi ý rằng việc tham gia các chương trình can thiệp sớm dẫn đến đến điểm ngôn ngữ cao hơn. Kết luận nghiên cứu cho biết những trẻ học can thiệp sớm từ trước 11 tháng tuổi có điểm số từ vựng và suy luận bằng lời nói khi trẻ đạt 5 tuổi tốt hơn so với những trẻ bắt đầu học muộn hơn. Những trẻ bắt đầu học muộn có thể gặp khó khăn với việc bắt kịp bài học ở lớp. 

Cùng một nghiên cứu cho thấy sự tham gia của gia đình là một yếu tố góp phần cho kết quả tốt nhất của can thiệp sớm. Kết quả ngôn ngữ tốt có tương quan với những gia đình có động lực và tích cực trong việc can thiệp cho trẻ. Và trẻ từ những gia đình ít quan tâm có kết quả ngôn ngữ kém hơn. Ngoài ra, những gia đình tích cực tham gia can thiệp sớm có nhiều khả năng giao tiếp tốt hơn với con cái, góp phần vào sự phát triển chung của trẻ. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét điều ngược lại; thiếu sự tham gia của gia đình là thách thức lớn nhất đối với việc can thiệp sớm. Cụ thể, một đánh giá có hệ thống về tỷ lệ theo dõi trong sàng lọc khiếm thính trẻ sơ sinh cho thấy: Trung bình 20% trẻ không đạt kết quả sàng lọc ban đầu đã không quay lại để kiểm tra tiếp. Việc theo dõi bị sút giảm nhiều được cho là do thiếu kiến ​​thức đầy đủ về các nguy cơ mất thính lực. Đây là mối đe dọa lớn nhất đối với sự thành công của chương trình sàng lọc khiếm thính trẻ sơ sinh, vì gia đình có trách nhiệm theo dõi chăm sóc trẻ.

Điều quan trọng cần nhớ là mất thính lực có thể xảy ra bất cứ độ tuổi nào. Một số dạng giảm thính lực không xuất hiện cho đến khi trẻ biết đi hoặc lúc đi học, hoặc thậm chí muộn hơn. Ngoài ra, bệnh tật, nhiễm trùng tai, chấn thương đầu, một số loại thuốc và tiếp xúc với tiếng ồn lớn đều là những nguyên nhân tiềm ẩn gây giảm thính lực. Đặc biệt, nhiễm trùng tai tái phát có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển ngôn ngữ, vì hậu quả là âm thanh tiếp nhận bị gián đoạn và hạn chế, không đủ cho sự phát triển ngôn ngữ và lời nói.

Ngay cả khi con bạn hoặc con của người thân chưa bị giảm thính lực, HHF vẫn khuyến khích kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm bao gồm cả thính lực. Kiểm tra thính lực thực hiện bởi chuyên gia thính học, bác sĩ tai mũi họng, bác sĩ nhi khoa hoặc các nhà cung cấp dịch vụ đo thính lực để theo dõi những thay đổi tiềm ẩn về thính giác. Các khuyến cáo từ chuyên gia là nguồn tham khảo đáng tin cậy để đưa ra các giải pháp trợ thính tốt nhất.

*Nghiên cứu tham khảo: Impact of early intervention on expressive and receptive language development among young children with permanent hearing loss:

https://pubmed-ncbi-nlm-nih-gov.ezproxy.gc.cuny.edu/21449255/