Trò chuyện với Sr, Pauline Bùi Thị Thanh Thúy, hiệu trưởng trường giáo dục trẻ khuyết tật Hoa Hồng, Trảng Bom, Đồng Nai.
Bước vào cái nghiệp “trồng người” này phải chăng là Duyên Số?
“Mình cũng không xác định được, chỉ biết một điều là mình đã và đang thi hành sứ mệnh được trao.”
42 năm hiện diện trên cõi đời, 7 năm với nghề, 3 năm nhận trách nhiệm quản lý, chặng đường trước mặt còn dài, điều gì đã đi qua còn đọng lại?
Theo học khoa Giáo dục đặc biệt trường Cao Đẳng Sư phạm, sau đó liên thông lên Đại Học Sư phạm ngành Khiếm Thính, với bài luận văn tốt nghiệp: Âm nhạc cho trẻ khiếm thính, Soeur Pauline Bùi Thị Thanh Thúy tự mô tả mình là một sinh viên “già” trong lớp, học rất khá, rất hòa đồng và cũng rất quậy, rất chịu chơi.
Là sinh viên tình nguyện tại Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An, Bình Dương 1 năm, có dịp học hỏi tiếp xúc với các chuyên gia thính học từ nước ngoài, thông qua tổ chức GFC, Sr. Thúy trang bị được cho mình thêm những kỹ năng trong phương pháp dạy trẻ khuyết tật, cộng với kiến thức cần thiết của lĩnh vực thính học có được do nhà dòng tin tưởng cử Sr đi học cùng sự hỗ trợ của bạn bè, thầy cô làm động lực đã giúp Soeur rất nhiều sau đó khi về phụ trách trường giáo dục trẻ khuyết tật Hoa Hồng Trảng Bom Đồng Nai.
Về trường năm 2007, Sr. Thúy lo tổ chức và xây dựng lại, cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giáo viên và phục vụ, đến tháng 11-2011 có trường mới khang trang. Trường hoạt động không vì lợi ích kinh tế, chỉ thu tiền phụ huynh tượng trưng; thế nên với sự dốc toàn tâm toàn lực vì sự phát triển của trẻ, đã khiến phụ huynh nhận ra, tin tưởng và lắng nghe.
Sr. Thúy (áo trắng, góc dưới bên phải) trong Lễ Tổng kết năm học 2014-2015
Được có điều kiện và say mê học cả ở 2 lĩnh vực sư phạm và thính học, Sr. Thúy mới biết 2 lĩnh vực này kết hợp hiệu quả như thế nào trong việc dạy con trẻ và tư vấn cho phụ huynh, để có thể hiểu về thính lực đồ, có thể biết được tần số nào trẻ nghe kém, liên quan đến âm nào, giúp việc tư vấn gắn máy trợ thính thế nào thì phù hợp, tập đeo máy ra sao để đạt hiệu qủa cao nhất. Giải đáp thắc mắc từ phía phụ huynh: sao con tôi không nói được dấu sắc, sao nó không nói được âm “s”, v.v… Trường hàng năm chỉ nhận trẻ nhỏ, vì trẻ lớn hết lớp này tới lớp khác, đã có thể “ra đời” hòa nhập xã hội, khi được Sr. Thúy và các cô giáo, dạy dỗ hướng dẫn, dạy chữ, dạy giao tiếp, học nghề uốn tóc, trang điểm, làm mộc… thậm chí có em vào công ty làm.
Là giáo viên, không chỉ biết về phương pháp giảng dạy, tâm lý trẻ và tâm lý phụ huynh, mà cần có kiến thức liên quan. Đó là trăn trở mà Sr. Thúy đã từng chia sẻ với các chuyên gia nước ngoài, mong muốn họ tiếp tục và mở rộng sự giúp đỡ của họ hơn nữa.
Một buổi luyện nói cho trẻ khiếm thính
“Đó là sứ mệnh của tôi, nghề đã chọn tôi. Tôi phải sống hết mình, với tất cả tấm lòng. Bởi! cuộc đời quanh ta có biết bao là nét đẹp, là lòng bao dung, hy sinh và tình yêu thương… hay một cái bắt tay hoặc một lời hỏi thăm. Và như thế hãy biết khám phá nét đẹp xung quanh ta nơi trẻ khiếm thính, nơi phụ huynh, nơi đồng nghiệp, nơi quý thầy cô,… để rồi chúng ta hãy góp những nét đẹp đó cho đời qua sự nghiệp, công việc hằng ngày của mình.”
“Một mình không làm gì được đâu. Khi nhìn thấy những đứa trẻ ú ớ chỉ vào những điều chúng muốn, mình chạnh lòng trắc ẩn. Tôi chỉ mong sao các trẻ em khiếm thính được đến trường sớm, các bé có máy trợ thính phù hợp để đeo. Và luôn hi vọng các bé sẽ sớm hòa nhập được với cuộc sống.”
“Những khó khăn, gian nan và lắng lo ban đầu đã qua, là nhờ sự nâng đỡ của bạn bè, đồng nghiệp, cộng với sự học hỏi cùng với chuyên gia, những người luôn làm việc một cách nghiêm túc, đầy nhiệt huyết và không thiếu sự kiên nhẫn, đó như là động lực giúp mình đong đầy lòng nhiệt thành trong sự nghiệp.”
“Khi nhận trọng trách phụ trách một trường, tôi muốn thuyết phục người khác, thì trước tiên phải làm cho người đó tin tưởng mình. Đó cũng là cách tôi đáp lại ơn đời, đã và đang cho tôi những ngày sống tốt lành. Tôi không muốn phụ lòng quí mến của cô Thu Thủy, giám đốc Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An, sự ưu ái của cô Paige và các chuyên gia ở tổ chức GFC mà suốt 5 năm tôi theo học trong những tháng hè, và của rất nhiều người tốt tôi gặp trong cuộc sống.”
Tham gia khóa huấn luyện cho trẻ Khiếm thính
“Có một bí quyết nho nhỏ muốn chia sẻ. Đó là sau một ngày làm việc mình cũng dành một khoảng thời gian để thinh lặng, nhìn lại một ngày sống đã qua, Tôi đã làm được những gì? Tôi sử dụng thời giờ, tiền của, sức khỏe, trí năng,… được ban cho, có mang lại lợi ích, niềm vui và hạnh phúc cho trẻ khiếm thính, cho phụ huynh, cho bạn bè, cho người thân cận và bản thân tôi có hạnh phúc với những gì mình đang có hay không?”
“Ước mong, môi trường hòa nhập ở Việt Nam sớm có thể đạt tiêu chuẩn quốc tế, trẻ khiếm thính Việt Nam mỗi ngày phát triển nghe – nói tốt hơn nhờ vào những con người có kiến thức, kỹ năng và tình yêu với việc giáo dục trẻ khiếm thính cũng như những kỹ thuật viên lành nghề và tận tâm như các thành viên trong công ty trợ thính Quang Đức vậy.”
Tổ chức chương trình Mừng Chúa giáng sinh cho các bé
Có lẽ nhờ lối sống tích cực như vậy nên Sr. Thúy, tuy đã vào tuổi U40 mà trông rất trẻ và rất năng động, như câu thơ mà Sr. cảm khái đọc cho chúng tôi nghe:
“Soi gương thì thấy mình già
Soi lòng thì thấy vẫn còn trẻ thơ!”
Nguồn: K.H.