Ý NGHĨA MỚI CỦA THUẬT NGỮ “NGHE KÉM” VÀ “ĐIẾC”

Việc nhầm lẫn ở các nơi cung cấp dịch vụ hiện nay là các từ giống nhau được sử dụng lặp đi lặp lại qua hàng thế kỷ để miêu tả về việc mất thính lực. 3 trong số các thuật ngữ được sử dụng phổ biến nhất là “khiếm thính”, “nghe kém”,  và “điếc”. Các thuật ngữ này có nghĩa khác nhau và gợi lên những mong đợi khác nhau. Tiến sĩ Mark Ross, một chuyên gia thính học và là người có kinh nghiệm về điếc sâu, đã đưa ra những định nghĩa được xem là hữu ích nhất cho những ai muốn tìm hiểu. Mark Ross đề xuất chia mức độ giảm thính lực theo những tác động lên chức năng nghe.

Tiến sĩ Ross sử dụng từ “khiếm thính” để mô tả mọi loại và mức độ giảm thính lực. Thuật ngữ “nghe kém” và “điếc” được sử dụng theo nghĩa chức năng nghe. Những thuật ngữ này không liên quan đến thời điểm bắt đầu giảm thính lực hoặc với mức độ giảm đo được của thính lực. Theo sự phân biệt của Ross, 1 người “nghe kém” nếu người đó đã học ngôn ngữ và tiếp nhận âm thanh từ môi trường chủ yếu bằng thính giác. Điều này có nghĩa là một người có thể sinh ra bị giảm thính lực nặng, nhưng nếu sự can thiệp của công nghệ trợ thính và sự can thiệp vào hệ thính giác giúp họ có thể học được ngôn ngữ, thì người đó được gọi là bị nghe kém.

Người bị “điếc” khi họ học ngôn ngữ và tiếp nhận âm thanh từ môi trường chủ yếu bằng thị giác. Điều này bao gồm đọc tín hiệu môi, sự kết hợp cách đọc bằng môi và ra dấu, giao tiếp bằng tay hay ngôn ngữ dấu hiệu. Mark Ross giải thích thêm rằng một đứa trẻ hay bất kỳ ai, mà được gọi là “nghe kém”, thì có cách tiếp nhận thông tin giống một người có thính lực bình thường hơn là một người “điếc”. Một người nghe kém, khi sử dụng máy trợ thính hay cấy điện ốc tai, sẽ phát triển trung tâm nghe của não như một người có thính lực bình thường. Trong khi người “điếc” thì không thể. Những quyết định khi chọn chương trình giáo dục nghe cho trẻ, phải dựa trên chức năng nghe hoặc tiềm năng có thể nghe của trẻ – chứ không phải ở mức độ giảm thính lực. Sẽ rất không phù hợp để đặt một đứa trẻ “nghe kém” (thậm chí với trẻ nghe kém sâu) vào chương trình can thiệp sớm dựa trên phương pháp nhìn. Đây là sự thay đổi trong cách chúng ta nhìn nhận và quản lý vấn đề mất thính lực, từ cách sử dụng công nghệ để xây dựng hệ thống giáo dục bằng thị giác đến sử dụng công nghệ để xây dựng một thế giới có thể tiếp cận được bằng thính giác cho các trẻ em bị mất thính lực.