Trên thế giới hiện nay có rất nhiều người bị khiếm thính ở mức độ từ nặng đến sâu nhưng vẫn đang học tập tốt, công việc ổn định và tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc. Bởi vì trong thời đại công nghệ ngày càng hiện đại, người mất thính lực giờ đây có nhiều lựa chọn về thiết bị trợ thính để lắng nghe tốt hơn và có một cuộc sống âm thanh trọn vẹn hơn.
Công nghệ không chữa được bệnh khiếm thính, nhưng có thể giúp người khiếm thính cải thiện khả năng nghe tốt hơn, giúp họ giao tiếp rõ ràng hơn. Có nhiều lựa chọn cho việc sử dụng công nghệ trợ thính hiện nay, bao gồm:
- Máy trợ thính nghe bằng đường khí
- Cấy trợ thính nghe bằng đường xương
- Cấy ghép ốc tai điện tử
- Các thiết bị hỗ trợ khác
Máy trợ thính
Là một thiết bị đeo bên ngoài, có chức năng khuếch đại làm cho âm thanh to hơn dựa vào chức năng của tế bào lông thính giác còn lại trong ốc tai giúp người nghe kém nghe rõ hơn. Chúng có thể được sử dụng cho mọi người ở mọi lứa tuổi, với mức độ giảm thính lực từ mức độ nhẹ đến nặng. Trẻ bị mất thính lực có thể hiểu âm thanh tốt hơn khi sử dụng máy trợ thính. Điều này có thể cho trẻ cơ hội học các kỹ năng nói khi còn nhỏ.
Máy trợ thính có nhiều kiểu đeo sau tai hoặc trong tai với công suất khác nhau tùy theo mức độ khiếm thính và sở thích cá nhân. Trẻ nhỏ thường được trang bị máy trợ thính kiểu sau tai vì chúng phù hợp hơn với tai đang phát triển.
Nhờ sự phát triển công nghệ kỹ thuật số ngày càng tiên tiến trong thời gian gần đây, máy trợ thính có thể được lập trình, xử lý âm thanh đầu vào, phân tích tín hiệu và hiệu chỉnh sao cho phù hợp với người sử dụng, hạn chế được tiếng ồn, giúp nghe rõ âm thanh lời nói. Ngoài ra máy còn còn có thể kết nối với các phương tiện nghe nhìn khác mà không cần dây dẫn như điện thoại di động, máy nghe nhạc MP3, MP4, ti vi, radio, v,v…
Tuy nhiên, đối với những trường hợp nghe kém mức độ nặng đến điếc sâu, khi mà phần lớn tế bào lông thính giác trong ốc tai bị tổn thương hay mất do nhiều nguyên nhân khác nhau thì với máy trợ thính sẽ có hiệu quả rất hạn chế trong việc nghe hiểu lời nói, nhất là khi giao tiếp với nhiều người và trong môi trường ồn.
Cấy ốc tai điện tử
Ốc tai điện tử là một thiết bị y tế phức tạp có hai bộ phận chính – Bộ phận xử lý âm thanh được đeo bên ngoài sau tai và bộ cấy bên trong tiếp nhận âm thanh được phẫu thuật đặt dưới da vùng xương thái dương và kết nối với dải điện cực được cấy vào trong ốc tai. Hai bộ phận này được kết nối bằng một lực hút từ tính của nam châm.
Không giống như máy trợ thính, ốc tai điện tử đòi hỏi phải phẫu thuật cấy ghép vào bên trong ốc tai và hoạt động khác với máy trợ thính. Thay vì khuếch đại âm thanh dựa vào chức năng tế bào lông thính giác còn lại, nó giúp người dùng cảm nhận âm thanh bằng cách xử lý thành xung điện, kích thích trực tiếp dây thần kinh thính giác bỏ qua phần tế bào lông thính giác bị tổn thương. Cấy ốc tai không chữa mất thính giác hoặc phục hồi thính giác, nhưng chúng tạo cơ hội cho giúp cho những người bị nghe kém từ mức độ nặng đến điếc sâu vẫn có thể hiểu lời nói tốt hơn, nâng cao nhận thức và có thể giao tiếp tốt hơn trong môi trường ồn, tự tin hòa nhập với cuộc sống.
Thiết bị hỗ trợ khác
Bên cạnh máy trợ thính, còn có các thiết bị khác giúp người khiếm thính cải thiện khả năng nghe tốt hơn. Sau đây là một số ví dụ về các thiết bị hỗ trợ khác.
Hệ thống FM
FM là viết tắt của điều chế tần số Frequency Modulation. Đây là loại tín hiệu tương tự được sử dụng cho radio. Hệ thống FM bao gồm 2 bộ phận chính: bộ phận truyền âm thanh được đeo trên người của người nói và bộ phận thu âm sẽ được gắn trên thiết bị trợ thính đeo ngoài của người nghe. Âm thanh từ người nói được phát ra sẽ truyền đến bộ phận thu âm, sau đó được chuyển đổi thành sóng radio và truyền tín hiệu đến người nghe.
Sóng radio của hệ thống FM là loại sóng không gây hại cho sức khỏe con người và có thể truyền xuyên qua các đồ vật. Vì vậy nó rất hiệu quả trong việc truyền âm thanh từ người nói đến người nghe, giúp hỗ trợ cho người mang thiết bị trợ thính nghe rõ ràng hơn trong môi trường ồn.
Captioning (Chú thích – Phụ đề – Thuyết minh)
Nhiều chương trình truyền hình, video và DVD được chú thích giúp cho người khiếm thính có thể theo dõi diễn tiến nội dung của câu chuyện
Thiết bị khác
Có nhiều thiết bị khác dành cho trẻ khiếm thính. Một số trong số này bao gồm:
- Nhắn tin
- Bộ khuếch đại điện thoại
- Báo động nhấp nháy và rung
- Hệ thống vòng lặp âm thanh
- Thiết bị nghe hồng ngoại
- Bộ khuếch đại âm thanh di động
Nguồn: Tổng hợp từ Healthyhearing và CDC.gov
Tham khảo thêm: