Ứng dụng AI giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng
Chương trình AI for Accessibility do Microsoft tổ chức, với mục tiêu sử dụng ứng dụng AI để giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng dễ dàng hơn, đã chọn ra ba ý tưởng xuất sắc nhất để đại diện Việt Nam tham dự vòng thi khu vực và toàn cầu.
Việt Nam hiện có 6,2 triệu người, tương đương 7% dân số lớn hơn 2 tuổi là người khuyết tật, theo kết quả điều tra quốc gia quy mô lớn đầu tiên về người khuyết tật do Tổng cục Thống kê và UNICEF công bố năm 2019.
Báo cáo của UNICEF cũng cho thấy những hộ gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn các bạn cùng trang lứa, cơ hội việc làm cho người khuyết tật cũng thấp hơn.
Với mục tiêu sử dụng công nghệ để giúp người khuyết tật hòa nhập xã hội dễ dàng hơn, Microsoft đã dành 25 triệu USD trong 5 năm thành lập chương trình “AI for Accessibility” nhằm khuyến khích những ý tưởng ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI) cải thiện vấn đề việc làm, cuộc sống và kết nối cộng đồng cho người khuyết tật.
Cuộc thi “AI for Accessibility” (Tạm dịch: Trí tuệ nhân tạo giúp tiếp cận) đã chọn 3 ý tưởng đến từ các đội MTI Technology, Trung tâm khuyết tật và phát triển (DRD) và Saigon Think sẽ đại diện Việt Nam tham gia các vòng thi khu vực và toàn cầu.
Đội MTI Technology với ý tưởng tạo ra giáo trình dạy và học ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ khiếm thính bằng các thiết bị cảm ứng hành động và AI. Ảnh: Giang Lê, Nguồn: Forbes Việt Nam.
Một trong những ý tưởng được ban giám khảo đánh giá cao là Smile đến từ MTI Technology. Xuất phát từ thực tế những trẻ em khiếm thính thường mất 2-3 năm, thậm chí có em mất 10 năm, mới có thể hoàn thành một năm học, các kỹ sư trẻ của MTI Technology đã tạo ra giáo trình dạy và học ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ khiếm thính.
Trong đó, người dùng sẽ xem ký hiệu hướng dẫn qua video, sau đó thực hành bằng các thiết bị cảm ứng hành động như Leap Motion hoặc Microsoft Kinect. Smile còn có tính năng nhận diện và dịch ngôn ngữ ký hiệu, giúp trẻ khiếm thính có thể giao tiếp dễ dàng hơn.
“Nhóm MTI Technology đã dành ra khoảng ba tháng, tận dụng thời gian rảnh lập trình cho Smile với mong muốn có thể tận dụng kỹ năng của mình để tạo ra một sản phẩm ý nghĩa cho cộng đồng, cụ thể là trẻ khiếm thính,” Ngô Thị Thái, thành viên nhóm MTI Technology chia sẻ với Forbes Việt Nam.
Nhóm DRD tận dụng video và hình ảnh từ CCTV kết hợp với công nghệ AI để giúp người khuyết tật nhận biết và đánh giá khả năng tiếp cận của các tuyến đường và tòa nhà. Ảnh: Giang Lê, Nguồn: Forbes Việt Nam.
Là người khuyết tật, các thành viên đến từ trung tâm DRD đã đưa ra ý tưởng nâng cấp D.Map – một ứng dụng bản đồ giúp người khuyết tật nhận biết và đánh giá khả năng tiếp cận các tuyến đường, tòa nhà hoặc các nơi công cộng. Đây là ứng dụng có sẵn, được tạo ra bởi TS.Võ Thị Hoàng Yến, nhà sáng lập trung tâm DRD.
Thay vì phụ thuộc vào nguồn thông tin do các tình nguyện viên khảo sát hiện trường và nhập vào hệ thống – vốn tốn kém và không mang tính chính xác theo thời gian thực, nhóm đại điện của DRD đã tận dụng công nghệ AI để nhận biết và phân tích hình ảnh, video từ nhiều nguồn khác nhau (dữ liệu chia sẻ từ người dùng, camera thành phố, tòa nhà), từ đó tạo nên nguồn tin đáng tin cậy hơn cho D.Map.
Đội DRD bày tỏ mong muốn ứng dụng này sẽ góp phần giúp xây dựng TP.HCM thành một thành phố thông minh, dễ tiếp cận cho người khuyết tật đầu tiên tại Việt Nam.
Đội Saigon Think với ý tưởng Smart Eye giúp người khiếm thị thực hiện các hoạt động thường ngày dễ dàng hơn. Ảnh: Giang Lê, Nguồn: Forbes Việt Nam.
Đội chiến thắng cuối cùng của cuộc thi “AI for Accessibility” tại Việt Nam là Saigon Think với ý tưởng Smart Eye dành cho người khiếm thị. Ý tưởng tích hợp các tính năng nhận diện vật thể, chữ viết, khuôn mặt, cảnh vật… vào một chiếc kính kết nối tai nghe. Sau đó Smart Eye sẽ miêu tả thế giới xung quanh theo thời gian thực, giúp người khiếm thị biết được những gì đang diễn ra xung quanh. Mục tiêu của công cụ này là giúp người khiếm thị tự tin di chuyển, thực hiện những công việc hàng ngày như đi chợ, mua hàng, đọc sách.
“Dù các dự án dành cho người khuyết tật không mang lại các lợi ích kinh tế, nhóm vẫn tham gia chương trình vì tình yêu dành cho công nghệ và vì mong muốn được giúp đỡ những người khuyết tật bằng công nghệ,” đại diện của nhóm Saigon Think nói với Forbes Việt Nam.
Nguồn: Forbes Việt Nam
Video
Chúng ta nghe như thế nào?