Việc dạy nghe nói ngoài lớp trị liệu ngôn ngữ AVT, trẻ em cần được học nghe từ phụ huynh, những người ở bên cạnh bé nhiều nhất. Đây là những cách giúp bố mẹ giúp con học nghe được nhiều và thực tế nhất.
Làm nổi bật âm thanh.
Nhấn mạnh âm thanh, từ, cụm từ mà bé nghe chưa rõ, nghe nhầm; bé nói thiếu, nói sai hoặc nói chưa rõ.
Ví dụ: Khi bạn bảo bé “ Con lấy giúp mẹ cái áo khoác màu xanh”, bé nghe chưa rõ và lấy áo thun màu xanh. Bạn sẽ nói lại câu và nhấn mạnh từ “ khoác”.
Gần và yên lặng.
Đến gần nếu như bé không nghe bạn.
Đừng nói lớn hơn mà hãy đến gần hơn.
Lặp lại hết lần này rồi đến lần khác.
Lặp lại những từ đó hết lần này đến lần khác. Nếu bạn đang dạy bé động từ, sử dụng động từ bằng nhiều cách khác nhau. Nhấn mạnh giọng của bạn với từ bạn đang dạy bé mỗi lần bạn nói từ đó.
Ví dụ: UỐNG- con muốn uống nước phải không; ba đang uống nước kìa; mẹ khát nước quá, mẹ muốn uống nước; con bò đang uống nước đó,…
Ưu tiên lắng nghe – sau đó Nhìn (Nói trước khi cho thấy).
Bạn có đồ chơi mới trong hộp. Bé không thể nhìn thấy đồ chơi. Nói với bé rằng bạn có đồ chơi mới. Tạo sự thích thú khi nói về nó. Nói về những gì nó làm đầu tiên và sau đó nói tên – sau đó cho bé xem nó.
Đọc sách – nói chuyện về quyển sách trước, sau đó cho bé xem sách.
Ví dụ: Trong hộp này có một con vật. Nó sủa gâu gâu. Gâu gâu !. Nó giữ nhà, nó sủa gâu gâu. Con chó sủa gâu gâu. Gâu gâu !
Nói nựng-Nói như hát.
Giọng nói như hát. Nếu bạn đang dạy bé lắng nghe thông tin mới, hãy làm cho giọng bạn thú vị hơn để bé chú ý ngay vào giọng của bạn. Nếu bé đang học lắng nghe tiếng mèo kêu, bạn hãy giả vờ nhái giọng của con mèo một cách thú vị (có ngữ điệu rõ ràng).
Làm cho giọng của bạn thú vị nhưng đừng có nói lớn quá, hãy nói với sự hăng hái và có nhấn giọng.
“Mẹ nghe đó!” và chỉ vào tai. Lắng nghe!
Đối với những bé mới tập nghe giai đoạn đầu, bé sẽ không ý thức là có các âm thanh xảy ra xung quanh bé. Vì thế điều quan trọng là bạn cần giúp bé tập trung vào âm thanh xảy ra xung quanh bé bằng cách mỗi lần bạn nghe một âm thanh gì đó, bạn hãy nói với bé một cách thích thú “Mẹ nghe đó!” và chỉ vào tai của mình.
Ví dụ: Bạn đang đi trên đường với bé. Có tiếng còi xe hơi hoặc xe tải vang lên. Bạn hãy thu hút sự chú ý của bé bằng cách nói vào tai bé “Mẹ nghe tiếng còi đó” và chỉ vào tai của mình.
Bánh Sandwich thính giác – Lắng nghe- Nhìn- Lắng nghe.
Luôn dùng lời nói hoặc âm thanh đầu tiên, sau đó cho bé xem nếu cần, rồi lại nói mà bé không nhìn thấy đồ chơi/đồ vật đó.
Ví dụ: Bạn đang chơi với bé. Trên bàn có cái kẹo, cái bánh, chai nước. Nếu bạn muốn bé bỏ cái bánh vào rổ. Hãy nói với bé mà không để bé nhìn thấy miệng của bạn: “Con để cái bánh vào rổ”. Trước mặt bé có 3 món để chọn, bé không biết lấy cái nào khi mà chỉ nghe bạn nói. Khi đó, bạn nói lại câu đó và nhìn vào cái bánh. Nếu bé vẫn chưa hiểu, bạn nhẹ nhàng chỉ vào cái bánh và nói “Con để cái bánh vào rổ.” một lần nữa. Khi bé hiểu rồi, bạn lại nói mà bé không thấy miệng bạn lời yêu cầu trên để bé thực hiện.
Chờ đợi.
Sau khi bạn đã cung cấp thông tin hoặc từ mới cho bé để làm theo hoặc để bé nói, bạn hãy CHỜ!!! Nghĩa là bạn cho bé thời gian nghĩ về điều mà bé cần làm.
Ví dụ: Bạn kể một câu chuyện về con khỉ đang ăn chuối. Bạn muốn bé tìm bức tranh “Con khi lột vỏ chuối và ném xuống đất”. Bạn đã kể 2 lần và nhấn mạnh những phần quan trọng rồi. Bạn hãy hỏi bé “Con khỉ đã ném vỏ chuối đi đâu?”. Bạn nhìn vào sách hay các tranh ảnh của truyện và CHỜ.
Nếu bé chỉ sai hoặc lật hình sai, bạn hãy nói lại yêu cầu đó rồi CHỜ. Đừng nói “Sai rồi !” với bé, mà nên nói rằng “Con tìm bức tranh con khỉ ném vỏ chuối xuống đất đó”.
Nhìn mong đợi.
Khi bạn đã làm mẫu hoặc đưa ra những từ mới hoặc yêu cầu bé làm một việc gì đó, bạn biết bé có thể làm hoặc nghĩ bé có thể làm, bạn hãy nhìn bé và cười như là muốn nói với bé “Mẹ đang chờ con làm đó. . . Con làm đi!. . . Con nói đi!” và CHỜ.
Làm mẫu.
Bạn làm mẫu trước – để cho bé thấy và hiểu điều gì bé cần làm.
Ví dụ: Bạn đang dạy bé câu có 3, 4 từ. Hoạt động diễn ra với xe lửa. Mẹ sẽ làm mẫu trước “Xe lửa chạy nhanh”, ba nói “Xe lửa chạy nhanh” rồi đưa xe lửa cho bé nhìn mong đợi và chờ cho bé nói “xe lửa chạy nhanh” hoặc thậm chí chỉ một vài từ.
Điều này giúp bé biết làm gì, nghe thông tin nhiều lần, thực hiện và thành công.
Nhắc bé chú ý lắng nghe.
Trước khi bạn phát ra âm thanh hoặc nói với bé, bạn hãy nhắc bé “ Nghe”; “Con nghe nha”, để bé chú ý và tập trung lắng nghe.
Cho bé sự chọn lựa.
Gợi ý cho bé chọn khi bé có nhiều thứ để lựa chọn.
Ví dụ: khi bé phân vân trong việc lựa chọn cái bé muốn, bạn đưa ra cụ thể 2 lựa chọn
“Con muốn chơi ô tô hay máy bay?”
Cung cấp từ gợi nhớ mà bé muốn diễn đạt khi bé bị quên từ.
Ví dụ: Bạn nói: “Sáng nay mẹ cho con ăn sáng món gì nhỉ?
Bé làm động tác điệu bộ về một món ăn hoặc ê a âm gì đó, bé quên từ cần nói. Bạn hỏi bé “Con ăn phở bò hay ăn cháo?”
Bạn cần biết: Tìm hiểu về dịch vụ trị liệu ngôn ngữ AVT cho trẻ khiếm thính