1. Điều trị và hỗ trợ thính lực cho trẻ khiếm thính
Chức năng của tai là dùng để nghe và bản chất của việc hình thành tiếng nói là sự lặp lại những gì trẻ đã được nghe. Do đó, nếu trẻ không nghe được thì trẻ cũng không thể nói được. Việc không giao tiếp được bình thường sẽ dẫn đến những thay đổi bất thường trong tâm lý của trẻ. Trẻ khiếm thính thường dễ bị cô lập và chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho trẻ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Con người chỉ có một vài giai đoạn phát triển ngôn ngữ nhất định. 2-3 năm đầu đời là giai đoạn trẻ phát triển ngôn ngữ và giao tiếp nhanh nhất. Do đó, trẻ bị khiếm thính nếu được phát hiện, hỗ trợ điều trị kịp thời trong giai đoạn này thì cơ hội nghe, nói và phát triển bình thường là rất cao. Ngược lại, nếu để muộn hơn, cơ hội này sẽ càng bị suy giảm.
Trường hợp giảm thính lực do bệnh lý như viêm tai giữa, các chấn thương thủng màng nhĩ, do dị vật trong ống tai, do ráy tai… việc phát hiện kịp thời và điều trị đúng đắn bằng thuốc hoặc phẫu thuật sẽ khôi phục lại thính lực cho trẻ. Với những trẻ này, việc giữ vệ sinh tai-mũi-họng cũng rất quan trọng để chữa trị và phòng ngừa bệnh tái phát.
Trường hợp các nguyên nhân là do bẩm sinh, di truyền, trong lúc sinh hoặc di chứng sau viêm não-màng não, tổn thương có tính chất vĩnh viễn, trẻ không thể hồi phục được thính lực và phải mang khuyết tật suốt đời. Với những trẻ này, khi phát hiện sớm, trẻ sẽ được hỗ trợ đeo máy nghe, máy trợ thính hoặc ốc tai điện tử để có thể học nghe, học nói sớm và phát triển như những trẻ em bình thường.
Máy trợ thính là một dụng cụ đặc biệt dùng để khuếch đại cường độ âm thanh. Sở dĩ trẻ có thể nghe được là do đa số trẻ khiếm thính, kể cả những trẻ bị điếc sâu (giảm thính lực trên 90dB) đều còn sót lại một phần khả năng nghe. Khả năng nghe nhỏ nhoi còn sót lại này nhờ sự khuếch đại âm thanh của máy trợ thính, trẻ có thể tiếp nhận thông tin và nghe được bình thường.
Tuy nhiên máy trợ thính chỉ hỗ trợ trẻ nghe tốt hơn chứ không thể chữa trị tật khiếm thính. Máy trợ thính sẽ trở thành người bạn đồng hành suốt đời của trẻ. Hiệu quả của việc mang máy sẽ được phát huy tối đa nếu trẻ được đeo sớm (ngay từ giai đoạn 0-3 tuổi), đeo suốt ngày và đeo hàng ngày (trừ lúc trẻ tắm hoặc ngủ) và máy phải luôn ở trong tình trạng hoạt động tốt.
Một số lớn trẻ này bị tật khiếm thính do di truyền hoặc chưa biết rõ nguyên nhân nên việc phòng ngừa có nhiều khó khăn. Những biện pháp như quản lý tốt thai phụ, hạn chế các sang chấn sản khoa, tránh sử dụng các thuốc gây độc cho thính giác khi mang thai, tiêm chủng và nuôi con bằng sữa mẹ cho trẻ nhỏ… cũng góp phần thiết thực vào việc phòng ngừa.
2. Chăm sóc, giáo dục cho trẻ khiếm thính
Các chương trình giáo dục dành cho trẻ khiếm thính đang được áp dụng rộng rãi, trẻ khuyết tật nói chung và trẻ khiếm thính nói riêng có nhiều cơ hội được học tập, giáo dục và hỗ trợ bởi các phương pháp đặc biệt giúp trẻ rèn luyện khả năng nghe-nói tốt hơn và có nhiều cơ hội hơn để trẻ hòa nhập cộng đồng.
Trước đây các phương pháp giao tiếp dùng cách ra dấu bằng tay, nhìn môi người đang nói, cùng nhiều kiểu luyện nghe, luyện phát âm khác đã được áp dụng trong các trường chuyên biệt dành riêng cho trẻ khiếm thính. Hiện nay, với sự hỗ trợ của máy trợ thính, phương pháp khẩu truyền đang là phương tiện chủ yếu giúp trẻ rèn luyện khả năng nghe-nói.
Với cơ cấu giáo dục hội nhập, trẻ khiếm thính có thể vào học chung trong những trường lớp dành cho trẻ em bình thường với cùng một giáo trình như nhau, với điều kiện trẻ được can thiệp sớm và được hỗ trợ ngay từ lứa tuổi 0-6, tức là lúc trẻ chưa đến trường. Điều khác biệt là những trẻ này cần nhiều thời gian hơn để tiếp thu, và tốt nhất trẻ cần có thêm sự hỗ trợ từ phía các giáo viên chuyên ngành, chuyên viên chỉnh âm.
Những trẻ không qua giai đoạn can thiệp sớm, được chẩn đoán và bắt đầu việc giáo dục sau 6 tuổi sẽ phải có những giáo trình riêng và được học tại những trường chuyên dạy trẻ khiếm thính.
Trẻ khiếm thính cũng như mọi trẻ khuyết tật khác, có quyền học tập và vui chơi. Trẻ rất cần được thông cảm, yêu thương và cư xử như những người bình thường. Điều đó không chỉ giúp trẻ hòa nhập tốt hơn, mà còn góp phần giúp trẻ phát triển khả năng và tư duy ngôn ngữ, rèn luyện tri thức cũng như khả năng giao tiếp.
Rất nhiều trẻ khiếm thính vẫn có thể học lên tới bậc cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, với những trẻ khác, trẻ cũng cần được đào tạo nghề nghiệp thích hợp để nuôi sống bản thân và giúp ích cho xã hội.