Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) xảy ra khi lưu lượng máu đến một phần của não bị thiếu do tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu dẫn đến tổn thương mô não. Đây là một tình trạng y tế khẩn cấp và việc phát hiện kịp thời là rất quan trọng. Có hai loại đột quỵ chính: đột quỵ thiếu máu cục bộ (do tắc nghẽn mạch máu) và đột quỵ xuất huyết (do vỡ mạch máu).
Cho đến khi đột quỵ được điều trị, tổn thương mô trong não có thể tiếp tục xảy ra. Tùy thuộc vào khu vực não bị ảnh hưởng, người bệnh có thể trải qua các tác động thứ cấp ảnh hưởng đến chức năng cơ bắp, cảm giác, nhận thức và cảm xúc. Vì vậy, việc tìm hiểu về các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ khác nhau là rất quan trọng để giúp bảo vệ bản thân hoặc người thân.
Các triệu chứng đặc trưng của đột quỵ bao gồm tê liệt một phần cơ thể, khó nói và hiểu ngôn ngữ, mất thị lực, nhìn mờ. Các triệu chứng bổ sung có thể bao gồm đau đầu, buồn nôn, và chóng mặt.
Khoảng 20% các trường hợp đột quỵ được biết là có liên quan đến các cấu trúc thần kinh được cung cấp bởi tuần hoàn sau (đốt sống thân nền) và chóng mặt/hoa mắt là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của các bệnh đốt sống thân nền. Hệ thống mạch máu đốt sống thân nền cung cấp máu cho các khu vực bao gồm thân não, đồi thị, hồi hải mã, tiểu não, thùy chẩm và thùy thái dương giữa.
Chóng mặt là cảm giác mất cân bằng, quay cuồng, loạng choạng hoặc cảm thấy như mọi thứ xung quanh đang chuyển động. Tình trạng này có thể do các vấn đề ở tai trong, như chóng mặt tư thế kịch phát lành tính BPPV. Ngoài ra, chóng mặt có thể xảy ra do các vấn đề liên quan đến não hoặc các đường dẫn thần kinh cảm giác
Hội chứng tiền đình cấp được định nghĩa bằng sự khởi phát nhanh chóng tình trạng chóng mặt hoặc choáng váng kéo dài (hơn 24 giờ) đi kèm với buồn nôn/nôn.
Có 2 nguyên nhân chính gây ra hội chứng tiền đình cấp là viêm dây thần kinh tiền đình (tiền đình ngoại biên) và đột quỵ (tiền đình trung ương). Trong nguyên nhân thứ hai, việc chẩn đoán có thể gặp nhiều khó khăn hơn.
Triệu chứng chóng mặt trong đột quỵ thường không điển hình và không xuất hiện trong mọi trường hợp. Vì chóng mặt có thể có nhiều nguyên nhân, nên đột quỵ có thể không được xem xét đầu tiên dẫn đến việc xác định sự khác biệt giữa chóng mặt lành tính và chóng mặt trong đột quỵ có thể gặp khó khăn, do đó có thể bỏ sót hoặc chẩn đoán không chính xác. Điều này có thể làm tăng tỉ lệ tàn tật hoặc thậm chí tử vong do đột quỵ khi không được điều trị kịp thời. Một nghiên cứu đã phát hiện rằng tỷ lệ biến chứng và tử vong tăng lên tới 40% khi chẩn đoán đột quỵ bị bỏ lỡ [1]. Hiểu đúng sự khác biệt giữa chóng mặt từ các nguyên nhân lành tính và chóng mặt do đột quỵ có thể cứu sống hàng chục nghìn người mỗi năm.
PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT RỐI LOẠN TIỀN ĐÌNH VÀ ĐỘT QUỴ
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh CT(Chụp cắt lớp vi tính) và MRI (Chụp cộng hưởng từ) được sử dụng để chẩn đoán đột quỵ. Tuy nhiên, chụp CT có độ nhạy kém đối với đột quỵ sớm và tỷ lệ chẩn đoán bị bỏ sót lên đến 60%. MRI thường không có sẵn trong các trường hợp khẩn cấp, chi phí cao, điều này hạn chế khả năng tiếp cận chẩn đoán MRI trong các khoa cấp cứu. Ngoài ra, các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng MRI có độ nhạy thấp trong việc chẩn đoán đột quỵ thiếu máu ở tuần hoàn sau và tỷ lệ bỏ sót trong chẩn đoán của MRI đối với tiền đình trung ương lên tới 20% đến 35%. [2]
Vì lý do này, việc thực hiện xét nghiệm nhanh chóng, kịp vào đúng thời điểm là rất quan trọng.
Hiện nay, phương pháp HINTS kết hợp công nghệ, thiết bị tiên tiến trong chẩn đoán giúp phân biệt hiệu quả rối loạn tiền đình ngoại biên và trung ương, phát hiện nhanh đột quỵ. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra các điểm mạnh lâm sàng của HINTS trong việc phân biệt tiền đình cấp tính và đột quỵ có độ nhạy đạt 100% và độ đặc hiệu từ 90-94.4% [2] và cao hơn so với chụp cộng hưởng từ (MRI) [3]
***Bài viết liên quan: CÔNG NGHỆ MỚI TRONG CHẨN ĐOÁN & ĐIỀU TRỊ RLTĐ
HINTS là phương pháp gồm 3 phần được thiết kế trong việc phát hiện đột quỵ ở bệnh nhân bị chóng mặt cấp tính bao gồm Head Impulse – Nystagmus – Test of Skew.
Head Impulse – So sánh biên độ giữa đầu và mắt khi di chuyển đột ngột – những chuyển động mắt bất thường trong quá trình đầu chuyển động sẽ được ghi nhận qua camera tốc độ cao trên kính EyeseecamVHIT được thiết kế riêng cho phép đo này.
Bệnh nhân được đeo kính có gắn camera và cảm biến, mắt sẽ tập trung nhìn vào một điểm. Đầu bệnh nhân sẽ được di chuyển nhanh, dứt khoát với biên độ nhỏ theo phương ngang trong khi mắt vẫn nhìn và điểm cố định. Biên độ di chuyển của đầu và mắt sẽ được ghi nhận và tính toán trên phần mềm.
Ngoài ra, thiết bị EyeseecamVHIT còn được dùng trong đánh giá chức năng của sáu ống bán khuyên, theo dõi tình trạng phục hồi của bệnh nhân bị tổn thương chức năng tiền đình, góp phần trong đánh giá, phân biệt các trường hợp rối loạn tiền đình.

Nystagmus – Rung giật nhãn cầu – kết hợp với thiết bị VisualEyes với camera độ nhạy cao sẽ ghi nhận những chuyển động mắt nhỏ nhất và thể hiện lên biểu đồ.
Người bệnh sẽ được đeo một hệ thống kính có camera quan sát và ngồi đối diện với màn hình có các điểm kích thích. Các điểm này sẽ ở các vị trí trung tâm, bên trái, bên phải, phía trên và phía dưới, người bệnh được yêu cầu nhìn tập trung vào các điểm này trong thời gian nhất định. Khi có các di chuyển động bất thường, camera sẽ ghi nhận và được hiển thị lên phần mềm.
Kính VisualEyes còn được dùng trong các phép đo để chẩn đoán BPPV, các rối loạn tiền đình ngoại biên và trung ương…

Test of Skew – Phép đo độ lệch- Kiểm tra được sử dụng trong việc phân biệt giữa nguyên nhân trung ương và ngoại biên của chóng mặt hoặc choáng váng.
Bệnh nhân ngồi thoải mái ở vị trí thẳng đứng. Bác sĩ quan sát mắt của bệnh nhân trong trạng thái nghỉ để xem có bất kỳ sự mất cân bằng hoặc lệch lạc rõ ràng nào không. Bác sĩ che một bên mắt của bệnh nhân và bệnh nhân được hướng dẫn tập trung vào một mục tiêu (thường là ngón tay hoặc đầu bút) được giữ ở mức độ ngang mắt. Sau vài giây, bác sĩ nhanh chóng gỡ miếng che mắt và quan sát mọi chuyển động của mắt khi không được che.

Trước đây, HINTS được thực hiện dựa trên quan sát bằng mắt thường và dễ dẫn đến việc bỏ sót và không chính xác. Tuy nhiên hiện nay với hệ thống thiết bị chẩn đoán rối loạn tiền đình VisualEyes và EyeseecamVHIT hỗ trợ chẩn đoán trở nên nhanh chóng, hiệu quả hơn và không bỏ sót bất kỳ các trường hợp có nguy cơ đột quỵ nào. Điều này cũng mang lại hy vọng cho thế hệ tương lai trong cải thiện độ chính xác của xét nghiệm chẩn đoán giữa chóng mặt lành tính và đột quỵ.
Trong hầu hết các trường hợp, chóng mặt không phải là dấu hiệu cho thấy có điều gì nghiêm trọng. Tình trạng này có thể do các vấn đề ở tai trong, như chóng mặt tư thế kịch phát lành tính BPPV, viêm dây thần kinh tiền đình… Tuy nhiên một tỷ lệ nhỏ trường hợp chóng mặt có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nghiêm trọng cần được chữa trị sớm, trong đó có đột quỵ.
Chóng mặt và đột quỵ là hai vấn đề sức khỏe mà nhiều người có thể gặp phải trong cuộc sống. Mặc dù đây là các hiện tượng khác nhau, nhưng chúng có một mối liên hệ nhất định mà ta cần hiểu rõ để có thể phòng ngừa và xử lý hiệu quả: Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây ra chóng mặt và chóng mặt là một trong những triệu chứng của đột quỵ.
Ở Việt Nam, hiện đã có 2 cơ sở là Bệnh viện Quân Y 175 và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã trang bị đầy đủ các thiết bị chẩn đoán và điều trị rối loạn tiền đình tiên tiến, hơn nữa giúp xử lý kịp thời các triệu chứng có liên đến đột quỵ. Khi xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, người bệnh cần đến ngay các cơ sở có đầy đủ chức năng để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
[2] Qiu T, Dai X, Xu X, Zhang G, Huang L, Gong Q. A prospective study on the application of HINTS in distinguishing the localization of acute vestibular syndrome. BMC Neurol. 2022 Oct 5;22(1):378.
[3] Kattah JC, Talkad AV, Wang DZ, Hsieh YH, Newman-Toker DE. HINTS to diagnose stroke in the acute vestibular syndrome: three-step bedside oculomotor examination more sensitive than early MRI diffusion-weighted imaging. Stroke. 2009 Nov;40(11):3504-10.