TRẺ CHẬM NÓI VÀ LÝ DO KHÔNG THỂ NGỜ TỚI
Bước qua hai tuổi, nhiều trẻ không biết nói, không chịu nói và không phản ứng với mọi thứ âm thanh xung quanh. Nhiều bố mẹ nghĩ rằng con mình tự kỷ, khi đến khám tại Trung tâm Thính học & Trị liệu ngôn ngữ, Bệnh viện Nhi Trung ương mới “ngã ngửa” ra biết con mình mắc chứng bệnh suy giảm thính lực.
Chậm nói đến từ nhiều nguyên nhân
Bé Thỏ – cô con gái thứ 2 của chị Thanh năm nay đã 2 tuổi nhưng chỉ nói được vài từ quen thuộc. Mẹ của bé Thỏ cảm thấy lo lắng về vấn đề chậm nói của cô con gái thứ 2 của mình, bởi chị đã có kinh nghiệm quan sát sự phát triển ngôn ngữ của cô con gái đầu tiên. Lo lắng con có thể bị tự kỷ, chị đưa con đến các phòng khám chuyên khoa tâm lý để đánh giá. Các bác sĩ nhận định con không bị tự kỉ và chị cho con đi học mầm non sau nửa năm vẫn không thấy con nói nhiều thêm. Trong một lần đưa con đi khám tại Trung tâm thính học và Trị liệu ngôn ngữ, cả gia đình gần như không thể tin được khi các bác sĩ thông báo con mình bị nghe kém. Đây chính là “thủ phạm” gây ra việc chậm nói của bé Thỏ.
Bé Nguyễn Huy Nam (3 tuổi, Thanh Hóa) được gia đình đưa đến khám với lý do cháu chưa biết nói, mặc dù cháu đã 3 tuổi. Chị Ngọc-mẹ bé Huy Nam có chia sẻ: “Ban đầu, gia đình chỉ nghĩ con chậm nói hơn so với các bạn cùng trang lứa, chờ một thời gian nữa con sẽ nói thôi. Cả nhà lại hy vọng chờ thêm một thời gian nữa. Chúng tôi cũng mua rất nhiều tranh, ảnh và đồ chơi để dạy con nhưng con vẫn không có tiến bộ. Như có cái gì đó mách bảo, gia đình chúng tôi lấy quyết tâm đưa con ra Bệnh viện Nhi Trung ương khám xem con có vấn đề gì không. Lúc nghe bác sĩ đọc kết quả con bị nghe kém, chúng mới tôi hiểu nguyên nhân khiến con chậm nói chính là do con bị suy giảm sức nghe ở mức độ nặng”. Chị Ngọc vừa nói vừa khóc vì vừa thương con vừa trách bản than đã quá chủ quan không mang con đi khám sớm hơn.
Hai gia đình trên chỉ là hai trường hợp điển hình trong số rất nhiều gia đình với tư tưởng chờ đợi “rồi con sẽ biết nói hết”. Hậu quả dẫn đến là chính cha mẹ đã đánh mất “thời gian vàng” của trẻ để phát triển ngôn ngữ, gây khó khăn cho trẻ khi giao tiếp và hòa nhập với cuộc sống khi trẻ lớn lên.
ThS, BS Lại Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Thính học & Trị liệu ngôn ngữ, Bệnh viện Nhi Trung Ương cho biết, hiện nay có khá nhiều trẻ đến khám tại bệnh viện với lý do chậm nói. “Chậm nói hay chậm phát triển ngôn ngữ bắt nguồn từ những nguyên nhân khác nhau. Chậm nói có thể là biểu hiện của trẻ mắc tự kỷ hoặc là biểu hiện của sự trì trệ của vùng ngôn ngữ trên não bộ dù trí tuệ và tâm lý của trẻ bình thường. Có những bé bị bệnh bại não, chậm phát triển trí tuệ cũng dẫn đến chậm nói. Và đặc biệt có những bé bị nghe kém thì chắc chắn chậm nói hoặc thậm chí không có ngôn ngữ tùy vào mức độ nghe kém”, BS Hà nói.
Do đó, tại các bệnh viện trên thế giới cũng như tại Bệnh viện Nhi Trung Ương, việc đầu tiên khi thăm khám các cháu bé chậm nói, các bác sĩ sẽ đo thính lực của các bé để loại trừ các nguyên nhân gây ra chậm nói là do thính lực hay do có vấn đề về bại não hay chậm phát triển trí tuệ.
Theo dõi mốc chậm nói để can thiệp sớm cho trẻ
Theo BS Hà, việc sàng lọc sức nghe cho các bé sơ sinh là một tiêu chí không thể bỏ qua tại các cơ sở sản khoa. Do đó, BS Hà khuyến cáo, các gia đình nên cho con đi khám sàng lọc sức nghe khi các bé có những biểu hiện bất thường như: trẻ được 3-4 tháng tuổi mà không đáp ứng với tiếng động mạnh; không phát ra âm thanh gừ gừ.
Đến mốc 5-12 tháng, trẻ không phản ứng hoặc quay đầu về phía có âm thanh phát ra; không tìm cách giao tiếp với người khác; không biết nói một từ nào, không biết làm các động tác như vẫy tay chào tạm biệt, lắc đầu để nói không, chỉ tay; không phản ứng khi được gọi tên; không hiểu và phản ứng với các từ như “không”, “chào bé” và “bai bai ”; không quan tâm tới thế giới xung quanh.
Ở mốc phát triển từ 15-18 tháng, các bố mẹ cũng đặc biệt lưu ý khi trẻ không hiểu và phản ứng với các từ như “không”, “dậy nào”; không nói được từ nào; không chỉ vào đồ vật hay bức tranh khi được hỏi, không chỉ vào vật mình thích và ngước nhìn bạn; không thể chỉ vào vài bộ phận của cơ thể (ví dụ đầu, mắt, mũi) khi được yêu cầu.
“Giai đoạn này, trẻ chưa thể nói được sáu từ; không thể giao tiếp bằng bất cứ cách nào, kể cả khi cần giúp đỡ, không biết chỉ vào thứ mình muốn, chưa nói được các từ đơn giản như “mẹ”, “bế”; không hiểu các mệnh lệnh đơn giản, ví dụ “Đừng sờ vào!”; không đáp lại bằng lời nói hoặc cử chỉ khi được hỏi “Cái gì đây?”, “Dép bé đâu?” thì các bậc phụ huynh cần phải cho trẻ đi khám sớm”, BS Hà nói.
BS Hà cũng lưu ý bố mẹ quan sát con khi trẻ bước sang tháng thứ 24 mà vốn từ tăng chậm; chưa nói nổi 15 từ; không tự nói ra lời mà chỉ nhại lại lời nói của người khác; không thể thực hiện những cuộc hội thoại đơn giản, không dùng lời nói để giao tiếp, không hiểu các chỉ dẫn hay câu hỏi dài hơn… Từ 25-35 tháng, không nói được câu đơn giản có 2-4 từ; không thể gọi tên vài bộ phận của cơ thể; không biết đặt các câu hỏi đơn giản; không ai trong gia đình có thể hiểu bé.
Ở giai đoạn trẻ từ 3 đến 4 tuổi, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ sẽ có những biểu hiện không sử dụng đại từ nhân xưng nào (con, mẹ); không thể ghép các từ thành câu ngắn (ví dụ “Mẹ giúp con”,” Muốn uống nữa”); không hiểu những chỉ dẫn hay câu hỏi ngắn (ví dụ “Lấy giầy của con và đặt lên giá”, “Trưa nay con muốn ăn gì?”; lời nói rất không rõ ràng, khiến người trong gia đình và người ngoài đều không hiểu; không đặt câu hỏi; ít quan tâm hoặc không quan tâm tới sách truyện; không quan tâm và không tương tác với các trẻ khác; đặc biệt khó tách khỏi bố mẹ…
BS Hà nhấn mạnh, độ tuổi từ 3 tháng – 2 tuổi, khoảng 1/5 trẻ em có thể có dấu hiệu chậm nói, nhưng nhiều trẻ trong số đó sẽ đuổi kịp các bạn khi lớn lên. Với những trẻ nghe kém ở mức độ nhẹ, chúng phát triển ngôn ngữ cũng như hiểu lời ở độ tuổi nhỏ như các bạn khác nhưng chúng bắt đầu gặp khó khăn khi đến tuổi đến trường vì chúng rất khó nghe trong các môi trường ồn và khoảng cách xa. Hoặc, có những bé sinh ra được sàng lọc ốc tai với kết quả bình thường nhưng trong quá trình lớn lên sức nghe của bé mới bị giảm sút.
“Sự quan tâm và để ý của cha mẹ vô cùng quan trọng với các bé. Bởi không ai khác, chính bố mẹ mới là người cảm nhận được những bất thường của con mình đầu tiên. Do đó, nếu có bất kì dấu hiệu nào bất thường như trên, việc đầu tiên bố mẹ cần làm là kiểm tra khả năng nghe của con”, BS Hà chia sẻ.
Nguồn: Trung tâm thính học-Bệnh viện Nhi TW
Chủ đề nên tham khảo thêm về can thiệp sớm:
KIỂM TRA KỸ NĂNG NGHE BẰNG PHƯƠNG PHÁP GIẢN ĐƠN
GIÁO VIÊN VỚI TRẺ CẤY ỐC TAI ĐIỆN TỬ
DỊCH VỤ TRỊ LIỆU NGÔN NGỮ LỜI NÓI (AVT)
KIỂM TRA KỸ NĂNG NGHE Ở TRẺ BẰNG 6 ÂM LING
BÉ KHÔNG GIẬT MÌNH KHI NGỦ: CẨN THẬN VỚI CĂN BỆNH BẨM SINH KHIẾN TRẺ TRỞ THÀNH TÀN TẬT
THÍNH LỰC Ở TRẺ EM: KHẢ NĂNG NGHE TỰ NHIÊN PHÁT TRIỂN RA SAO